Thủ khoa kép của Đại học Bách khoa Hà Nội học 'trường làng' Hải Dương

Đặng Quốc Vinh, đến từ Trường Trung học phổ thông Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đã xuất sắc trở thành thủ khoa cả hai khối A00, A01 của Đại học Bách khoa Hà Nội và còn là á khoa kỳ thi Đánh giá Tư duy.
Thủ khoa kép của Đại học Bách khoa Hà Nội học 'trường làng' Hải Dương ảnh 1Em Đặng Quốc Vinh. (Ảnh: NVCC)

Thủ khoa kép của Đại học Bách khoa Hà Nội đến từ Hải Dương, học "trường làng". Đạt tới 29,65 điểm ở tổ hợp A00 và 29,47 điểm ở tổ hợp A01 (theo cách tính điểm xét tuyển của Đại học Bách khoa Hà Nội: (điểm toán nhân đôi + điểm hai môn còn lại) nhân với 3/4 + điểm ưu tiên), em Đặng Quốc Vinh, đến từ Trường Trung học phổ thông Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đã trở thành thủ khoa cả hai khối thi này của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Từng thủ khoa tới 5 khối thi

Không chỉ thủ khoa hai khối A00 và A01, Vinh còn là á khoa của kỳ thi Đánh giá Tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay với 95,95 điểm, kém thủ khoa kỳ thi này chỉ nửa điểm. Trong kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Vinh cũng xuất sắc đạt đến 120 điểm trên thang điểm 150.

Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, Vinh đạt 10 điểm Toán; 9,75 điểm môn Hóa; 9,5 điểm môn Vật lý; 9,2 điểm môn Tiếng Anh; 8,75 điểm môn Sinh học; 8,25 điểm môn Ngữ văn. Tổng điểm bài thi Khoa học tự nhiên là 9,33 điểm.

Với kết quả này, Vinh đạt tổng điểm khối A là 29,25 điểm và chỉ kém thủ khoa toàn quốc (theo cách tính tổng điểm 3 môn) đúng 0,1 điểm đồng thời trở thành thủ khoa của tỉnh Hải Dương ở cả ba khối: A, A1 và B. Vĩnh cũng là thí sinh duy nhất của tỉnh Hải Dương đạt 10 điểm toán trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay.

Thủ khoa kép của Đại học Bách khoa Hà Nội học 'trường làng' Hải Dương ảnh 2Đặng Quốc Vinh và cô giáo chủ nhiệm Lưu Hải Vĩnh. (Ảnh: NVCC)

Tự hào chia sẻ về cậu học trò của mình, cô Lưu Hải Vĩnh, giáo viên dạy Toán đồng thời cũng là giáo viên chủ nhiệm của Vinh suốt ba năm cấp ba cho hay việc Vinh đạt những thành tích xuất sắc này không nằm ngoài dự đoán của cô.

Trước đó, Vinh đã trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội theo phương thức xét học bạ. Vinh là thành viên đội tuyển học sinh giỏi Toán và năm lớp 12, em đoạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán. Năm lớp 11, Vinh giành giải nhì Hội thi Tin học trẻ tỉnh Hải Dương.

Suốt ba năm, từ lớp 10 đến lớp 12, trong tất cả các kỳ thi khảo sát, thi thử, Vinh đều là thủ khoa của ít nhất ba khối thi, thậm chí có đợt em trở thành thủ khoa của 5 khối thi.

Ước mơ học ngành công nghệ

Đặng Quốc Vinh cho biết ngay từ khi học lớp 10 em đã đam mê máy tính và lập trình nên được học ngành học này ở đại học Bách khoa Hà Nội đã trở thành mơ ước của cậu học trò trường làng, là một trong những động lực học tập của em.

“Vì thế, khi Đại học Bách khoa công bố điểm chuẩn, em đã rất hạnh phúc khi biết mình đỗ. Niềm vui ấy càng vỡ òa khi em biết mình trở thành thủ khoa kép,” Vinh cười vui nói.

Thủ khoa kép của Đại học Bách khoa Hà Nội học 'trường làng' Hải Dương ảnh 3Vinh nhận khen thưởng vì những thành tích học tập xuất sắc. (Ảnh: NVCC)

Học "trường làng" và lại học tốt đều các môn, Vinh bảo bí quyết học tập của em đơn giản là tập trung nghe thầy cô giảng bài và phân bổ thời gian tự học buổi tối cho các môn. Em thường sẽ dành khoảng 1,5 tiếng mỗi tối để hoàn thành tất cả các bài tập của các môn. Thời gian còn lại, Vinh tập trung cho một, hai môn và luân phiên các môn trong tuần. Theo Vinh, việc học đều các môn giúp em có nền tảng kiến thức tốt cho các bài thi.

“Trong khi học em luôn cố gắng tạo không gian riêng tư, yên tĩnh để có thể tập trung cao nhất,” Vinh chia sẻ.

[ĐH Bách khoa Hà Nội lên tiếng việc hai thủ khoa khối A00 trượt NV1]

Cùng với việc học ở trường, Vinh cũng tranh thủ lên mạng Internet để tìm các tài liệu học tập bổ trợ. Như rất nhiều bạn trẻ khác, Vinh cũng dùng smartphone, Facebook, Zalo để chia sẻ, kết nối bạn bè.

Chia sẻ về dự định sắp tới, Vinh cho hay em vẫn đang do dự việc có tham gia phỏng vấn để thi vào lớp tài năng của Đại học Bách khoa Hà Nội hay không. “Chương trình của Đại học Bách khoa Hà Nội rất nặng, học lớp tài năng chắc chắn sẽ còn nặng hơn nữa nên em lo ngại sẽ không còn thời gian cho các hoạt động khác vì em rất mong muốn được tham gia vào các hoạt động của trường,” Vinh chia sẻ.

Theo cô Lưu Hải Vĩnh, trong ba năm cấp ba, Vinh không phải là học sinh “học gạo” mà luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động ở trường, hòa đồng với các bạn, biết quan tâm đến mọi người, có kỹ năng sống khá tốt.

“Tôi đã từng dạy rất nhiều học sinh giỏi, thông minh, nhưng Vinh rất đặc biệt vì em không chỉ thông minh mà còn rất say mê với môn Toán, rất ngoan, lễ phép và cầu tiến,” cô Vĩnh tự hào nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục