Thủ khoa trường Dược và giấc mơ đưa vỏ củ hành từ thùng rác vào thuốc

Khoa ngạc nhiên khi được biết lớp vỏ bên ngoài củ hành khô chứa rất nhiều hoạt chất đáng quý, nhất là flavonoid với hàm lượng cao gấp 23 lần so với phần ruột bên trong.
Thủ khoa trường Dược và giấc mơ đưa vỏ củ hành từ thùng rác vào thuốc ảnh 1Ngô Minh Khoa trong lễ tốt nghiệp. (Ảnh: NVCC)

“Theo nhiều tài liệu nghiên cứu quốc tế thì chất chống oxy hóa từ lớp vỏ bỏ đi của củ hành cao gấp 23 lần so với phần ruột bên trong,” Ngô Minh Khoa, thủ khoa đầu ra của Đại học Dược Hà Nội hào hứng chia sẻ về đề tài nghiên cứu vỏ củ hành thành dược liệu của mình.

Biến phế phẩm thành dược phẩm

Bảo vệ xuất sắc khóa luận tốt nghiệp dược sỹ Đại học Dược Hà Nội, trường đại học đứng đầu cả nước về ngành dược, với đề tài “Nghiên cứu tối ưu hóa chiết xuất flavonoid từ vỏ củ hành ta”, Ngô Minh Đăng cho hay đề tài của mình hướng tới một đối tượng vô cùng đặc biệt là lớp vỏ khô bên ngoài của củ hành ta.

Cũng với vỏ của hành, Ngô Minh Khoa đã đạt giải ba Hội nghị Khoa học công nghệ tuổi trẻ Trường Đại học Dược Hà Nội lần thứ XX” (2020) với đề tài “Ứng dụng một số phương pháp thống kê hiện đại trong nghiên cứu tối ưu hóa chiết xuất flavonoid từ vỏ củ hành ta.”

Khoa cho hay việc nghiên cứu về lớp vỏ khô của củ hành là từ sự gợi ý của phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thu Hằng, giảng viên của trường. Khi cô trao đổi đề tài này, Khoa đã rất ngạc nhiên vì đây là phần thường bị bỏ đi trong công nghiệp thực phẩm cũng như trong quá trình nấu ăn hàng ngày. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu sâu về các nghiên cứu trước đó, Khoa được biết trong lớp vỏ bên ngoài lại chứa rất nhiều hoạt chất đáng quý, nhất là flavonoid với hàm lượng cao gấp 23 lần so với phần ruột bên trong. Đây là chất có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, chống lão hóa, chống dị ứng..., một chất rất quan trọng và có ý nghĩa lớn trong dược phẩm. Hành lại là loại thực phẩm phổ biến ở Việt Nam. Cây hành được trồng ở nhiều địa phương trên cả nước.

Thủ khoa trường Dược và giấc mơ đưa vỏ củ hành từ thùng rác vào thuốc ảnh 2Hành là nguyên liệu được người dân trồng phổ biến ở Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

“Em nhận thấy đây là một nguyên liệu rất tiềm năng để phát triển các sản phẩm dược trong tương lai khi vừa có nhiều hoạt chất, vừa rẻ tiền đồng thời lại có thể tận dụng được phần dư phẩm trong công nghiệp thực phẩm để bảo vệ môi trường. Vì vậy, em đã chọn củ hành ta làm đề tài nghiên cứu dưới sự hướng dẫn rất tâm huyết, nhiệt tình, chu đáo của phó giáo sư Nguyễn Thu Hằng,” Khoa chia sẻ.

Chàng thủ khoa Đại học Dược Hà Nội hào hứng cho biết trong quá trình sản xuất thuốc thì giai đoạn chiết xuất hoạt chất có vai trò quyết định trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. “Nếu đề tài của em được áp dụng sẽ nâng cao hiệu quả của quá trình chiết xuất flavonoid phục vụ sản xuất thuốc, tiết kiệm thời gian, chi phí, dung môi để từ đó có sản phẩm tốt nhất, hiệu quả điều trị cao và giá thành rẻ cho người bệnh,” Khoa vui vẻ nói.

Muốn thành công, trước tiên phải chăm chỉ

Xếp loại tốt nghiệp loại xuất sắc chương trình đào tạo dược sỹ đại học hệ chính quy của Trường Đại học Dược Hà Nội năm 2020 với điểm tích lũy trung bình toàn khóa học đạt 3,91/4 và 9,01/10, Ngô Minh Khoa đã vinh dự được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vinh danh là một trong 88 thủ khoa xuất sắc của Thủ đô. Em cũng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Phòng tặng bằng khen là gương mặt học sinh, sinh viên xuất sắc của đất cảng năm 2020.

Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Khoa cho biết trước tiên là phải chăm chỉ. “Em nghĩ chăm chỉ là yếu tố đầu tiên và nếu không chăm chỉ thì em sẽ không thể đạt được kết quả này,” Khoa nói.

Thừa nhận việc chăm chỉ phải đi liền với phương pháp học tập hợp lý và khoa học, thủ khoa Đại học Dược Hà Nội cho hay mỗi người có đặc điểm riêng nên sẽ có phương pháp học tập riêng và chính từ sự chăm chỉ, mỗi người sẽ tìm được phương pháp phù hợp với mình.

Thủ khoa trường Dược và giấc mơ đưa vỏ củ hành từ thùng rác vào thuốc ảnh 3Lớp vỏ bên ngoài củ hành thường sẽ bị bỏ vào thùng rác nhưng lại là dược liệu quý. (Ảnh: Đậu Đậu/Vietnam+)

Khoa kể, khi mới lên đại học, em vẫn giữ nguyên cách học tập của bậc phổ thông nên không hiệu quả. Ở bậc phổ thông, học sinh tiếp cận kiến thức chủ yếu qua tài liệu do thầy cô biên soạn trong khi ở bậc đại học, thầy cô chỉ định hướng và sinh viên phải tự tìm tài liệu, tự nghiên cứu tổng hợp kiến thức mới có thể đáp ứng được yêu cầu môn học.

Kinh nghiệm rút ra của Khoa là đọc nhiều tài liệu, chuẩn bị kỹ bài học từ trước, tập trung nghe giảng trên lớp, thậm chí có thể ghi âm bài giảng của thầy cô để nghe lại nhiều lần, chủ động trao đổi với thầy cô để ghi nhớ tốt hơn và có kiến thức rộng hơn về vấn đề, từ đó đáp ứng tốt yêu cầu của bài thi.

[Thực phẩm chức năng của học sinh Việt giành giải Nhất thi khởi nghiệp]

Khoa vẫn nhớ kỷ niệm khi học môn Bào chế công nghiệp, thầy giáo thường kiểm tra trắc nghiệm trên lớp và gọi bất kỳ một sinh viên đứng lên trả lời. “Em cảm thấy sợ mỗi khi giáo sư áp dụng cách kiểm tra đó nên thường ngồi ở một vị trí xa để không bị gọi lên. Có lần bị gọi lên và câu trả lời của em không đủ ý, thầy đã giúp em hiểu hơn, có câu trả lời tốt hơn và nhờ vậy em đã hiểu hơn được vấn đề mà thầy hỏi. Từ lần đó trở đi em thấy việc bị hỏi ngẫu nhiên không đáng sợ và em đã chủ động ngồi vào một vị trí để dễ được thầy gọi,” Khoa kể.

Cũng theo Khoa, mỗi môn học có kiến thức và phương pháp học khác nhau nên việc trao đổi với bạn bè, nhất là những người giỏi sẽ giúp mình học hỏi được nhiều cách học hay. Một trong những môn em thấy khó khăn nhất khi mới lên đại học là môn Giải phẫu sinh lý người vì giáo trình rất dày, để ghi nhớ được rất khó khăn. Nhưng các bạn đã hướng dẫn em học theo hình vẽ: Quan sát hình vẽ của từng cơ quan và dùng kiến thức của mình để mô tả hoạt động của cơ quan đó. Cách học này đã giúp cậu hiểu rõ, nắm chắc và tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Dù dành nhiều thời gian cho học tập, song Khoa còn đam mê môn bóng đá và là một thành viên tích cực trong câu lạc bộ bóng đá của trường. Cậu cũng là tình nguyện viên trong các chương trình hiến máu nhân đạo. Và giống như nhiều sinh viên khác, Khoa đi làm thêm từ năm thứ hai đại học với “nghề nghiệp” chính là gia sư môn hóa cho các học sinh ôn thi đại học, làm cả shipper trong “mùa COVID.”

“Lịch học và hoạt động của em khá bận rộn nhưng em nghĩ điều quan trọng là biết cân đối các công việc cho phù hợp với từng giai đoạn để có hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn, em đam mê bóng đá nhưng vào mùa thi em sẽ tạm dừng hẳn việc đá bóng để tập trung ôn thi hai tháng, dù phải đếm từng ngày để được ra sân,” Khoa nói.

Rời Đại học Dược Hà Nội với tấm bằng xuất sắc, Khoa chia sẻ em rất vui khi đã được tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình ở một công ty chuyên nghiên cứu về dược, đúng ngành mà em theo đuổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục