Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự: Phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản

Phải nhấn mạnh nguyên tắc dù áp dụng thủ tục rút gọn nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc của tố tụng hình sự, đảm bảo xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ.
Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự: Phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản ảnh 1Quang cảnh một phiên tòa. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều hành vi chống người thi hành công vụ, chống đối không thực hiện các quy định về phòng, chống dịch... đã bị các cơ quan tố tụng xử lý nghiêm khắc để cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung.

Nhiều vụ việc đã được các cơ quan tố tụng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn, nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý, đáp ứng tính thời sự trong bối cảnh thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Để tìm hiểu rõ hơn về thủ tục rút gọn, TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Đinh Thế Hưng (Trưởng phòng Tư pháp Hình sự - Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) xung quanh những quy định pháp luật và những lưu ý liên quan đến thủ tục rút gọn trong các vụ án hình sự.

- Xin ông cho biết thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử được quy định trong luật như thế nào?

Tiến sỹ Đinh Thế Hưng: Bản chất của thủ tục rút gọn có thể coi là ngoại lệ và đặc biệt của tố tụng hình sự.

Luật Tố tụng Hình sự của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã quy định và áp dụng thủ tục này.

[Phiên tòa đầu tiên xét xử hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch]

Đây là thủ tục đặc biệt, khác với thủ tục tố tụng thông thường, chỉ được áp dụng đối với các vụ án đặc biệt khi đáp ứng được các điều kiện luật định. Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng được phép rút ngắn thời gian tố tụng, giản lược một số các thủ tục tố tụng để giải quyết nhanh chóng vụ án, nhưng vẫn đạt được mục đích của tố tụng hình sự là “chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.”

Bên cạnh đó, thủ tục tuy được rút gọn nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự như nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa, đảm bảo pháp chế, bảo vệ quyền con người...

Quan điểm chỉ đạo của Đảng về Cải cách tư pháp trong Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với một số vụ án đủ điều kiện nhất định.”

Thể chế hóa quan điểm này, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã dành riêng chương XXXI quy định phạm vi, điều kiện, thẩm quyền, các thủ tục điều tra, truy tố, xét xử cũng như thời hạn tố tụng đối với thủ tục rút gọn.

Cụ thể, về phạm vi, thủ tục rút gọn được áp dụng ở tất cả các giai đoạn của tố tụng hình sự bao gồm điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm.

Về điều kiện để áp dụng, thủ tục rút gọn được quy định khá cụ thể và chặt chẽ. Theo đó, chỉ áp dụng thủ tục rút gọn đối vụ án khi có đủ 4 điều kiện: người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.

Thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử được Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định theo hướng rút ngắn thời hạn tố tụng, giản lược một số thủ tục so với các vụ án không áp dụng thủ tục rút gọn.

Cụ thể, thời hạn điều tra và tạm giam trong giai đoạn điều tra là 20 ngày, thời hạn truy tố và tạm giam để truy tố là 5 ngày, thời hạn xét xử sơ thẩm và tạm giam để xét xử sơ thẩm là 17 ngày, thời hạn xét xử phúc thẩm và tạm giam để xét xử phúc thẩm là 22 ngày.

Như vậy, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 chỉ quy định thời hạn tố tụng tối đa mà không quy định thời hạn tối thiểu. Điều đó cho thấy thời hạn thực tế giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn có thể rút ngắn hơn so với thời hạn tối đa mà luật định.

Điểm khác biệt của thủ tục rút gọn so với các thủ tục tố tụng thông thường được thể hiện rõ trong từng giai đoạn tố tụng. Tại giai đoạn điều tra, khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra không phải làm bản kết luận điều tra mà chỉ ra Quyết định đề nghị truy tố và gửi hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát.

Tại giai đoạn truy tố, trong trường hợp xét thấy đủ căn cứ để truy tố, Viện Kiểm sát không phải làm bản cáo trạng như những vụ án thông thường, thay vào đó cơ quan này chỉ cần ra Quyết định truy tố bị can ra trước Tòa án.

Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, nếu thấy đủ điều kiện đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán phải có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn. Trong 7 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn chỉ do một thẩm phán tiến hành (thay vì phải lập Hội đồng xét xử gồm 3 hoặc 5 người như các vụ án thông thường khác).

Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự: Phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản ảnh 2Tiến sỹ Đinh Thế Hưng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Việc áp dụng các thủ tục rút gọn này có những ưu điểm, nhược điểm nào, thưa ông?

Tiến sỹ Đinh Thế Hưng: Việc quy định các thủ tục rút gọn này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tội phạm, giải quyết được tình trạng quá tải của cơ quan tiến hành tố tụng.

Việc phát hiện, xử lý tội phạm bằng thủ tục rút gọn nhanh chóng kịp thời còn đáp ứng mục đích giáo dục, phòng ngừa chung đối với toàn xã hội trong những hoàn cảnh đặc biệt.

Mặt khác, việc này cũng nhằm tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí của Nhà nước trong việc giải quyết các vụ án mà tội phạm ít nghiêm trọng, chứng cứ rõ ràng, không có các tình tiết phức tạp...

Thêm vào đó, việc áp dụng thủ tục rút gọn sớm khắc phục được hậu quả do tội phạm gây ra, bảo vệ quyền lợi của người bị hại khi công lý sớm được thực thi. Đồng thời, tạo cơ hội cho người phạm tội được nhanh chóng thi hành án, sớm trở lại hòa nhập cộng đồng.

Ngoài những ưu điểm như đã nói trên, tôi cho rằng việc áp dụng thủ tục rút gọn còn có một số nhược điểm như do thời gian ngắn, lược bỏ một số thủ tục nên việc áp dụng thủ tục này nếu không tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về thủ tục rút gọn dễ xảy ra việc giải quyết vụ án không khách quan, thu thập chứng cứ không đầy đủ.

Nhận thức nếu không đúng sẽ ảnh hưởng đến quyền của bị can, bị cáo. Đặc biệt, để áp dụng thủ tục rút gọn đảm bảo đúng mục đích, ý nghĩa còn đòi hỏi rất cao về trình độ, năng lực, phẩm chất của những người tiến hành tố tụng. Bởi lẽ, trong việc áp dụng thủ tục rút gọn dễ nảy sinh tâm lý nóng vội, chủ quan muốn nhanh chóng giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Để khắc phục những nhược điểm này, theo tôi, cần tăng cường công tác kiểm sát việc tuân thủ pháp luật, tăng cường hoạt động tố tụng hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân, tăng cường vai trò giám xã hội đối với các vụ án tiến hành theo thủ tục rút gọn...

Đặc biệt, phải nhấn mạnh nguyên tắc dù áp dụng thủ tục rút gọn nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc của tố tụng hình sự, đảm bảo xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ.

- Theo ông, có nên áp dụng rộng rãi thủ tục rút gọn trong các trường hợp đủ điều kiện không? Việc áp dụng này cần lưu ý những gì?

Tiến sỹ Đinh Thế Hưng: Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định đầy đủ, chặt chẽ về thủ tục rút gọn, nhưng trên thực tế các vụ án áp dụng thủ tục này chưa nhiều bởi một số lý do.

Trước hết là do các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng việc áp dụng thủ tục rút gọn là không bắt buộc nên để đảm bảo “an toàn” họ có sự thận trọng nhất định.

Bên cạnh đó, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn rất chặt chẽ nên số lượng các vụ án đảm bảo đủ tất cả các điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn không nhiều. Với thời hạn giải quyết vụ án ngắn nên thủ tục rút gọn dễ đem đến rủi ro, những sai sót trong quá trình tố tụng dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến nhận thức, sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở nhiều nơi không thống nhất trong việc áp dụng thủ tục rút gọn cũng là nguyên nhân dẫn đến việc áp dụng thủ tục rút gọn chưa phổ biến.

Việc cơ quan tiến hành tố tụng ở một số tỉnh, thành phố áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, các ưu đểm của thủ tục rút gọn đã được thể hiện rõ ràng, đầy đủ và tập trung nhất.

Ý nghĩa to lớn nhất là nó đã góp phần vào việc giáo dục, răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến đại dịch này, góp phần không nhỏ vào nỗ lực của Chính phủ, của toàn xã hội trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 rất kịp thời, hiệu quả; đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về thủ tục rút gọn về điều kiện, thời hạn, thủ tục.

Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh, trong hoàn cảnh nào cũng đều phải nhận thức thủ tục rút gọn là thủ tục đặc biệt chỉ áp dụng khi có đầy đủ căn cứ, điều kiện luật định và phải tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định.

Khi ở đâu xảy ra các vụ án đáp ứng đủ các quy định của pháp luật về thủ tục rút gọn, việc áp dụng thủ tục rút gọn cần khuyến khích.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục