Vụ Đông Xuân năm 2018-2019 ở Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến ngày 20/2, hầu hết diện tích lúa của nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn “nằm im,” chưa được thương lái, doanh nghiệp thu mua.
Nhiều nơi nông dân sốt ruột vì lúa đến độ chín rộ, để lâu sẽ bị rơi rụng, khó thu hoạch, nguy cơ thua lỗ nặng trước mắt.
Những ngày qua, giá lúa tươi tại ruộng Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xuống thấp, từ 4.200-4.400 đồng/kg (IR50404), các giống hạt dài, thơm nhẹ có giá 4.500 đồng/kg.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành lúa gạo Việt Nam, nguyên nhân giá lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm xuống trước vụ thu hoạch Đông Xuân chính là việc các doanh nghiệp chưa có đơn hàng xuất khẩu, thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vừa giao hàng hồi tháng 12/2018, một số thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam còn lượng gạo tồn nên chưa có nhu cầu nhập khẩu.
Trước diễn biến giá lúa này, chiều 19/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Chính, Ngân hàng nhà nước, Hiệp hội Lương thực Việt Nam… nhằm giải quyết việc thu mua lúa gạo cho nông dân, đảm bảo quyền lợi cho nhà nông theo nguyên tắc thị trường.
Theo kế hoạch sản xuất đề ra hồi tháng 10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống lúa Đông Xuân là 985.000 ha, năng suất bình quân ước tính là 5,9 tấn/ha, tổng sản lượng thu hoạch trong vụ này hơn 5,8 triệu tấn. Do đó, sản lượng thu mua tạm trữ gạo của người dân là ở mức cao.
Trước diễn biến thị trường như vậy, trong khi chờ sự hỗ trợ từ Chính phủ và chính quyền địa phương, nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chủ động xoay xở, xử lý toàn bộ số lúa chưa được thương lái thu mua.
Điển hình như ông Mai Thanh Tuấn, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang chia sẻ, từ nhiều năm trước, ông Tuấn cùng 4 hộ nông dân sản xuất lúa khác trong xã hợp tác, xây dựng kho trữ lúa.
Đây là cách tránh tình trạng bị thương lái thu mua ép giá lúc vừa vào vụ thu hoạch. Với cách tạm trữ này, nông dân thu hoạch, phơi lúa rồi lưu kho, vẫn giữ được chất lượng lúa.
Chỉ cần chờ qua thời điểm thu hoạch rộ khoảng 2-3 tuần, giá lúa sẽ tăng từ 10-20%. Đến lúc này, chỉ những hộ nông dân tự trữ lúa mới thu lợi nhuận cao.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào chiều qua, ngày 20/2/2019, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã vào cuộc thu mua lúa cho nông dân tại các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ…
[Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp đẩy mạnh thu mua lúa gạo]
Đại diện Công ty Lương thực Sông Hậu (Cần Thơ) cho biết, công ty có hơn 700ha vùng nguyên liệu hợp tác với các hợp tác xã sản xuất giống lúa Jasmine 85 và hiện đang đàm phán về giá thu mua với các hợp tác xã.
Thời điểm này, giá các loại lúa đồng loạt giảm, nên là thời điểm thu mua lúa nguyên liệu tốt nhất của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo.
Vì vậy, Công ty Sông hậu đã thực hiện thu mua được 10.000 tấn, còn lại 50.000 tấn sẽ tiếp tục triển khai từ nay đến hết vụ thu hoạch.
Trong khi đó, Công ty Lương thực Tiền Giang không tận dụng cơ hội giá lúa thấp để thu mua.
Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết, sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, công ty cũng bắt đầu mua lúa của nông dân (trong hợp đồng của cánh đồng lớn) với giá cao hơn giá ngoài thị trường.
Thế nhưng, dù mua cao hơn bên ngoài nhưng số lượng chỉ khoảng vài trăm hecta nên cũng không thể kéo giá lúa mặt bằng chung của khu vực lên cao.
Theo ông Khiêm, toàn bộ số lúa Đồng bằng sông Cửu Long vẫn rất cần các doanh nghiệp đồng loạt triển khai thu mua giá cao hơn thị trường 5-10% mới có thể kéo giá lên được. Điều quan trọng là hiện các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo chưa có đầu ra.
Các đơn hàng cũ đã giao xong, đơn hàng mới chưa ký, nên doanh nghiệp không thể thu mua rồi lưu kho chờ đầu ra, chất lượng gạo sẽ giảm, vừa lỗ vốn cũng vừa mất uy tín với khách hàng nhập khẩu.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đợt hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long này, các doanh nghiệp phải thực hiện thu mua ít nhất 5% tổng số lúa được sản xuất tại đây.
Các địa phương Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang cũng chung tay thực hiện. Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đề nghị ngân hàng nâng hạn mức tín dụng với những doanh nghiệp đã liên kết với nông dân.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp khuyến khích doanh nghiệp có kho bãi tạm trữ còn trống, cho nông dân gửi tạm trữ để chờ giá lúa tăng trở lại.
Song song đó, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ yêu cầu Sở Công Thương thành phố Cần Thơ theo dõi chặt chẽ hoạt động thu mua lúa gạo, có giải pháp ngăn chặn việc ép giá đối với nông dân, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh lúa gạo, đặc biệt là xuất khẩu gạo.
Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ chủ động cùng với Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có liên quan họp bàn về vấn đề cho vay vốn để có thêm kênh huy động vốn hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân./.