Thủ tướng đề nghị có chế tài với người bán, người mua hóa đơn

Cơ chế kiểm soát hoá đơn còn nhiều kẽ hở theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là bài ca muôn thuở và thực sự nan giải.
Thủ tướng đề nghị có chế tài với người bán, người mua hóa đơn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Cơ chế kiểm soát hoá đơn còn nhiều kẽ hở theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là bài ca muôn thuở và thực sự nan giải. Thủ tướng đề nghị ngành thuế đề xuất chế tài ràng buộc người mua, người bán về vấn đề này.

Đây là vấn đề được Thủ tướng nêu lên tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2018 chiều 31/1.

[Cá nhân cho thuê tài sản trên cả nước chính thức được nộp thuế điện tử]

Việc kiểm soát hóa đơn còn nhiều kẽ hở theo Thủ tướng Chính phủ đã khiến số lượng doanh nghiệp trốn thuế, tăng chi phí đầu vào và chuyển giá còn lớn. Thủ tướng bày tỏ là ông “hiểu các doanh nghiệp trốn như thế nào.” Từ đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, việc kiểm soát hóa đơn là vấn đề nan giải và là “bài ca muôn thuở.”

Thủ tướng kể câu chuyện đi nước ngoài “mua hộp xi đánh giày đều có hóa đơn điện tử” nhưng tại Việt Nam thì cả người mua lẫn người bán đều không cần.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị cơ quan chức năng có chế tài ràng buộc cả người mua, người bán. Đây là vấn đề theo Thủ tướng cần có lộ trình nhưng là việc phải làm.

Thủ tướng cũng lưy ý việc cần sớm thực hiện thu thuế điện tử với khu vực ngoài quốc doanh. Theo Thủ tướng, cơ quan chức năng nên có cách để khuyến khích các cơ sở kinh doanh dùng thiết bị chấp nhận thanh toán bằng thẻ.

Nói riêng về các hộ cá thể, người đứng đầu Chính phủ bày tỏ, đây là lĩnh vực còn thất thoát nhiều. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến hộ cá thể không chuyển sang doanh nghiệp. Vấn đề này theo Thủ tướng liên quan tới nhiều bộ nhưng ông cũng khẳng định, một trong những nguyên nhân các hộ chưa lên doanh nghiệp là thủ tục còn rườm rà nên “họ để thế cho tiện.”

Thủ tướng cũng tính toán, cả nước có khoảng 640.000 doanh nghiệp, đây là con số đáng mừng nhưng chính Thủ tướng cũng cho rằng, nếu cộng với vài triệu hộ cá thể có thể lên doanh nghiệp thì mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 sẽ vượt ngay. Vấn đề theo Thủ tướng là hướng dẫn ra sao với các hộ cá thể, cơ chế sao để các hộ này thực hiện chuyển đổi.

Ở hướng khác, Thủ tướng đề nghị ngành thuế “suy nghĩ về chính sách thuế phải toàn diện hơn.” Theo Thủ tướng, cần xem xét chính sách trong nước ra sao, quốc tế thế nào, chính sách thuế tác động tới số đông thế nào, người nghèo ra sao,…

Thủ tướng dẫn thực tế tại Mỹ khi nước này tuyên bố giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 21%. Quyết định này theo công bố có thể khiến Mỹ mất đi 15.000 tỷ USD nhưng Thủ tướng cho rằng, Mỹ sẽ “được” ở chỗ nhiều người muốn phát triển sản xuất kinh doanh. Ví dụ khác, Thủ tướng vẫn dẫn quyết định giảm thuế của Mỹ với lợi nhuận đầu tư ở nước ngoài chuyển về nước này. Trung Quốc thậm chí cũng tuyên bố sẽ đánh thuế 0% với khoản này.

Tất nhiên, theo Thủ tướng, đây là những vấn đề có sự khác biệt giữa Việt Nam và nước ngoài. Tuy vậy, điều Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc muốn nhắc là sự nhạy bén để thu hút phát triển, giải quyết việc làm. Với Thủ tướng, đây là vấn đề rất quan trọng.

Về con người, Thủ tướng đề nghị ngành thuế nên phát động phong trào: Ngành thuế nói không với phong bao, phong bì. Điều này theo Thủ tướng Chính phủ để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu.

“Ta có đi đầu với việc cán bộ ngành thuế nói không với tiêu cực được không?” Thủ tướng đặt câu hỏi.

Về phía mình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ nghiêm túc tiếp thu và cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng thành các chương trình hành động với giải pháp cụ thể.

Riêng với cán bộ công chức thuế, Bộ trưởng cho biết, cơ quan này đã quán triệt tinh thần nói không với tiêu cực. Đây là vấn đề theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã được chính Bộ trưởng nói từ cách đây 3 năm.

“Yêu cầu nhất quyết đưa khỏi ngành những công chức thoái hóa, tiêu cực,” Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo./.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị triển khai công tác thuế năm 2018. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục