Thủ tướng Đức bác đề nghị đóng cửa biên giới của nhóm Visegrad

Theo Thủ tướng Merkel, đóng cửa biên giới với tuyến lộ trình Balcan (gồm Hy Lạp, Macedonia và Bulgaria) sẽ gây ra những hậu quả đối với Hy Lạp, toàn bộ EU và cả khu vực tự do đi lại Schengen.
Thủ tướng Đức bác đề nghị đóng cửa biên giới của nhóm Visegrad ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 16/2 đã bác bỏ việc nhóm nước Trung Âu Visegrad (gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia) đóng cửa biên giới với khu vực Balcan nhằm hạn chế người tị nạn vào châu Âu.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Merkel khẳng định cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay chỉ có thể được giải quyết với một giải pháp quy mô châu Âu, trong đó có sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo bà, thông báo đóng cửa biên giới với tuyến lộ trình Balcan (với Hy Lạp, Macedonia và Bulgaria) sẽ gây ra những hậu quả đối với Hy Lạp, toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) và cả khu vực tự do đi lại Schengen.

Bà cũng cho rằng việc đơn phương dựng lên những hàng rào chặn người nhập cư, chẳng hạn ở Macedonia, không phải là cách hành xử của châu Âu, đồng thời không thể giúp giải quyết được vấn đề.

Bà khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy sự hợp tác giữa châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh EU ngày 18-19/2, trong đó giải quyết một cách toàn diện các nguyên nhân dẫn tới dòng người di cư và bảo vệ chặt chẽ hơn khu vực biên giới ngoài EU.

Thủ tướng Merkel cũng cho biết, trong các cuộc đàm phán với EU, Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết kiểm soát tốt hơn khu vực biên giới của nước này nhằm hạn chế dòng người di cư vào châu Âu.

Tuyên bố của bà Merkel được đưa ra khi nhóm nước Visegrad cam kết sẽ giúp Macedonia và Bulgaria đóng cửa biên giới của hai nước với Hy Lạp. Hành động này sẽ khiến số lượng người tị nạn ở Hy Lạp nhanh chóng gia tăng, dẫn tới nguy cơ Athens bị loại khỏi khu vực Schengen.

Hiện ý tưởng về một "giải pháp quy mô châu Âu" trong vấn đề người tị nạn của Thủ tướng Đức đang ngày càng bị cô lập ở châu Âu. Pháp, một đồng minh gần gũi của Đức, cũng đã bác bỏ việc tiếp nhận thêm người tị nạn phân bổ tới các nước EU, ngoài con số 30.000 người theo mức hạn ngạch cũ.

Năm 2015, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí phân bổ 160.000 người tị nạn từ Hy Lạp và Italia sang các nước trong khối, song tới nay, mới có khoảng 600 người được phân bổ sang các nước EU khác.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Nội vụ Đức cùng ngày 16/2 khẳng định Berlin không đưa ra mức hạn chế cố định số đơn xin tị nạn ở nước này trong năm 2016. Tuyên bố này được đưa ra khi trước đó báo Bưu điện sông Rhein (RP) đưa tin Đức đặt giới hạn tiếp nhận tối đa 500.000 người tị nạn trong năm nay.

Theo báo RP, giới chức Đức hiện vẫn còn tồn 370.000 hồ sơ tị nạn chưa được xử lý, trong khi khoảng 400.000 người tới Đức năm 2015 vẫn chưa thể nộp đơn xin tị nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục