Ngày 28/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một số tiến triển giúp tháo gỡ bất đồng thương mại hiện nay.
Trong một tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng Merkel cho biết bà đã thảo luận vấn đề thương mại trong cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bà mong muốn nhân đà hội nghị này, các cuộc thảo luận Mỹ-Trung cũng như những cuộc đàm phán khác sẽ dẫn đến thành công.
[Các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc kỳ vọng vào hội đàm song phương]
Nền kinh tế vốn dựa vào xuất khẩu của Đức đang chịu ảnh hưởng từ mối quan hệ thương mại xuống dốc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Sydney, phát biểu tại hội nghị G20, Thủ tướng Australia Scott Morison đã hạ thấp triển vọng sẽ có một bước đột phá trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngay tại hội nghị.
Ông Morrison cho biết Australia đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy một giải pháp nhưng quyết định cuối cùng trong việc giải quyết các vấn đề vẫn thuộc về hai cường quốc kinh tế.
Thủ tướng Australia cho rằng hội nghị G20 lần này đã có nhận thức lớn hơn về tác động ngày càng lớn từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đối với tăng trưởng toàn cầu.
Ông cũng cho biết tại cuộc gặp song phương ngắn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tranh chấp thương mại, trong đó Thủ tướng Morrison nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gặp trở ngại sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh "quay lưng" với những cam kết giữa hai bên, liên quan việc phía Trung Quốc muốn điều chỉnh một số điểm trong dự thảo thỏa thuận thương mại đã được xây dựng sau 10 vòng đàm phán.
Căng thẳng gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5 ra lệnh áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, đúng thời điểm hai bên đang tiến hành đàm phán.
Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn đe dọa áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 325 tỷ USD.
Đáp lại, Trung Quốc đã tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ ngày 1/6.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo các quốc gia thành viên G20 về hậu quả nghiêm trọng của việc áp đặt các mức thuế quan mới, có thể sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm từ 3,6% xuống 3,1%./.