Phát biểu bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius (Litva) ngày 12/7, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh sự sẵn sàng phòng thủ và tăng cường sự gắn kết trong NATO, trong đó Đức đang và sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp vào việc bảo vệ liên minh.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Thủ tướng Scholz phát biểu tại cuộc họp báo cho biết, từ năm 2025 trở đi, Đức sẽ triển khai 35.000 binh sỹ của quân đội liên bang tham gia vào các nhiệm vụ trong hai cấp độ sẵn sàng triển khai cao nhất của NATO.
Bên cạnh đó, quân đội Đức cũng sẽ củng cố sườn phía Đông của liên minh bằng cách triển khai một lữ đoàn mạnh ở Litva ngay khi các điều kiện cho phép.
Theo nhà lãnh đạo Đức, những quyết định này sẽ góp phần đảm bảo an ninh của các đồng minh, vì an ninh ở châu Âu và trên hết là vì an ninh của Đức.
[Hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc với nhiều quyết định quan trọng]
Thủ tướng Scholz nhấn mạnh các nước thành viên NATO cần phải đầu tư nhiều hơn để có thể ứng phó với các nhiệm vụ quân sự ngày càng gia tăng, trong đó các nước đồng minh đã nhất trí trong tương lai dành ít nhất 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng và Đức có thể đạt được mục tiêu này sớm nhất là vào năm tới.
Về vấn đề Ukraine, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine chừng nào còn cần thiết và Berlin cũng đã công bố gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá khoảng 700 triệu euro cho Kiev, trong đó bao gồm các hệ thống phòng không Patriot, xe tăng Leopard 1A5, xe chiến đấu Marder và đạn pháo.
Liên quan nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine, Thủ tướng Scholz khẳng định liên minh có những quy định hiện hành rất rõ ràng và từ lâu đã được áp dụng cho tất cả những nước muốn trở thành thành viên, không miễn trừ bất cứ một quốc gia nào.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ Đức, điều quan trọng hơn lúc này là cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ cần thiết.
Thủ tướng Olaf Scholz cũng thông tin về Trung tâm An ninh cơ sở hạ tầng dưới biển mới của NATO bắt đầu đi vào hoạt động.
Theo ông, an ninh cơ sở hạ tầng dưới nước có ý nghĩa trọng yếu đối với toàn bộ liên minh, bởi các đường dây, các đường ống và tuyến cáp chạy ngầm dưới đáy biển, kết nối các nước và đây là những "huyết mạch trung tâm" của nhà nước hiện đại, công nghiệp hoá cao.
Sáng kiến thành lập trung tâm này được Đức cùng Na Uy đề xuất cách đây vài tháng, được khởi xướng sau các sự cố nhằm vào hệ thống đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 (Nord Stream 1 và 2) mà cho tới nay vẫn chưa rõ thủ phạm đứng sau các vụ phá hoại này./.