Thủ tướng Italy Matteo Renzi ngày 10/10 đã nỗ lực ngăn không để xảy ra những rạn nứt trong nội bộ đảng Dân chủ (PD) xung quanh cuộc trưng cầu ý dân sắp tới về cải cách hiến pháp.
Theo đó, với tư cách là Tổng thư ký PD, Thủ tướng Renzi đã đề nghị thành lập một ủy ban trong đảng này, trong đó phải có ít nhất một thành viên của nhóm thiểu số phản đối, nhằm soạn thảo một dự luật bầu cử mới.
Tuy nhiên, việc thành lập ủy ban trên sẽ chỉ được tiến hành sau khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân dự kiến vào ngày 4/12 tới.
Tuy nhiên, Chủ tịch đảng Gianni Cuperlo - một trong những người nói "không" với việc cải cách hiến pháp, tuyên bố ông vẫn tiếp tục bỏ phiếu phản đối việc sửa đổi hiến pháp trừ khi có những thay đổi lớn được thực hiện trước cuộc trưng cầu ý dân.
Ông Cuperlo cũng nhấn mạnh thêm sẽ xin rút khỏi Quốc hội nếu các kế hoạch về cải cách hiến pháp không được sửa đổi, đồng thời cảnh báo về nguy cơ xảy ra chia rẽ trong nội bộ đảng PD.
Ngoài ông Cuperlo, nhiều thành viên quan trọng khác trong PD cũng khẳng định không ủng hộ cải cách hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 12 tới, trong đó có cựu Tổng Thư ký PD Pier Luigi Bersani và cựu Thủ tướng Massimo D'Alema.
Hiện các đảng đối lập tại Italy cũng đang tiến hành chiến dịch phản đối các cải cách do Thủ tướng Renzi đề xuất, trong khi nhiều nước châu Âu cũng bày tỏ lo ngại đối với tiến trình cải cách này.
Về phần mình, Thủ tướng Renzi bày tỏ tin tưởng rằng đa số các thành viên trong đảng PD vẫn ủng hộ ông và cho rằng các thành viên còn lại trong đảng đang lợi dụng cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 12 tới như "cái cớ" để hạ bệ ông.
Cuộc trưng ý dân về cải cách hiến pháp nói trên được cho là nhằm tăng cường sự ổn định chính trị tại Italy - nơi có đến 63 bộ máy chính quyền vùng kể từ năm 1945.
Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, đảng PD theo đường lối trung tả vẫn đang bị chia rẽ về vấn đề này, trong đó một phần nhỏ các nghị sỹ cho rằng các cải cách và dự luật bầu cử mới có thể đe dọa nền dân chủ của Italy.
Thủ tướng Renzi cho rằng các cải cách này sẽ góp phần đặt dấu chấm hết cho hệ thống hiện hành, ở đó mỗi dự luật đều phải được hai viện trong Quốc hội thông qua và tốn rất nhiều thời gian./.