Thủ tướng sắp tới của Anh liệu có đưa Brexit kết thúc tốt đẹp?

Một số ứng viên Thủ tướng Anh được cho là có thể trở thành tác nhân gây ra phức tạp chứ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Brexit ở đất nước này.
Thủ tướng sắp tới của Anh liệu có đưa Brexit kết thúc tốt đẹp? ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May công bố trước báo giới quyết định từ chức Lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, tại số 10 phố Downing, London ngày 24/5/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Washington Post/Aljazeera đưa tin trở thành Thủ tướng Anh vào thời điểm này là một công việc không sung sướng gì. Cứ thử hỏi bà Theresa May, người sớm rời trụ sở Chính phủ Anh ở số 10 Downing Street, thì rõ.

Bà May đã quần quật 2 năm trời cố gắng tìm ra cách để Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là vấn đề Brexit, song rốt cục thỏa thuận Brexit của bà lại bị Quốc hội Anh “khước từ,” trong đó không ít lần chính đảng Bảo thủ của bà không mặn mà “chống lưng” cho May.

Hôm 7/6, bà May chính thức từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ. Bà sẽ giữ vị trí thủ tướng cho đến khi đảng Bảo thủ có thể chọn được người thay thế.

Tuy nhiên, không rõ liệu bất kỳ ứng cử viên nào có được một kế hoạch thực sự để xử lý cuộc khủng hoảng Brexit của Anh hiện nay hay không.

Thực tế, một số ứng viên được cho là có thể trở thành tác nhân gây ra hỗn loạn chứ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Hồ sơ người thay thế

Ngày 10/6, danh sách 10 ứng cử viên đã được công bố, trong đó, một số người như cựu Ngoại trưởng Boris Johnson là những nhân vật thông hiểu chính trị Brexit “như lòng bàn tay.”

Từng là một chính khách không nhận được nhiều quan tâm nhưng hiện Johnson là ứng cử viên sáng giá cho vị trí thủ tướng.

[Ứng viên Thủ tướng Anh Johnson cam kết về thời hạn hoàn tất Brexit]

Các đối thủ "nặng ký" của Johnson có Ngoại trưởng Jeremy Hunt (từng nhầm lẫn khi nói với giới chức Trung Quốc rằng người vợ gốc Trung Quốc của mình là gốc Nhật Bản) hoặc cựu thủ lĩnh Hạ viện Andrea Leadsom (đã phải từ bỏ cuộc đua thủ tướng hồi năm 2016 sau khi cho rằng bà có quyền lợi lớn hơn trong tương lai của nước Anh vì bà là một bà mẹ).

Bộ trưởng Môi trường Michael Gove thì phải đối phó với không chỉ một tai tiếng. Ngoài những bức hình nhân vật này uống nước bị phát tán nhiều năm, ông hiện còn phải đối phó với tình huống khi thừa nhận đã sử dụng ma túy một vài lần trong quá khứ.

Một ứng viên khác là nghị sỹ Rory Stewart lại tỏ thái độ ăn năn về việc hút thuốc phiện khi ở Iran.

Ngoài ra, danh sách này còn có Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid, cựu Ngoại trưởng phụ trách vấn đề Brexit Dominic Raab, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock và các nghị sỹ quốc hội khác như Mark Harper và Esther McVey.

Quan điểm khác biệt

Với một danh sách tương đối dài các ứng cử viên và thời gian dư dả cho chiến dịch tranh cử, người ta có thể hy vọng sẽ có một vài ý tưởng mới về vấn đề Brexit.

Cả 10 ứng viên đều kiên quyết muốn thực hiện Brexit, dù có những khác biệt nhất định về cách thức họ sẽ cam kết triển khai nhiệm vụ lớn lao nhất mà đất nước phải đối mặt hiện nay trong khi không một ý tưởng nào của họ thú vị cả.

McVey, từng là người dẫn chương trình truyền hình chuyển sang làm chính trị, ủng hộ một Brexit cứng rắn nhất trong số tất cả.

Bà thậm chí muốn Anh rời EU mà không cần một thỏa thuận rút khỏi khối này, tức một Brexit không thỏa thuận mà một số nhà kinh tế cảnh báo sẽ là một viễn cảnh thảm họa về kinh tế.

McVey không phải là ứng cử viên duy nhất cổ xúy cho một Brexit kiểu này.

Nhiều nhân vật khác cũng tỏ ra cứng rắn không kém. Raab, cựu Bộ trưởng Brexit, từng đề xuất giải thể quốc hội để ngăn chặn bất kỳ dự luật nào cản trở hoặc làm trì hoãn quá trình Brexit mà không có một thỏa thuận nào.

Johnson cũng có ý tưởng cứng rắn của riêng mình: Giữ lại 50 tỷ USD mà Anh nhất trí thanh toán cho EU khi nước này bỏ phiếu rời khối.

Ông nói với tờ Sunday Times cuối tuần qua rằng số tiền này là một “chất bôi trơn to lớn” để có được thỏa thuận.

Tuy nhiên, giới chức EU cho rằng một kế hoạch như vậy sẽ là phi pháp và dẫn đến một một món nợ chính phủ không thể trả.

Theo hãng tin Aljazeera, ý tưởng này của Johnson cũng vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các hãng đánh giá tín nhiệm cũng như của Chính phủ Pháp.

Ba hãng đánh giá tín nhiệm Fitch, Moody’s và Standard&Poor cho rằng việc giữ lại khoản tiền này sẽ dẫn đến nguy cơ Anh bị hạ thấp tín nhiệm.

Một nguồn tin thân cận từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo việc này chẳng khác nào một món nợ không thể trả.

Trong khi đó, giới luật sư cho rằng điều này chắc chắn dẫn đến các cuộc tranh luận tại các tòa án quốc tế.

Trong số 10 ứng cử viên, chỉ có hai người loại bỏ kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Ứng cử viên Stewart thì ủng hộ một Brexit “mềm” còn nghị sỹ Sam Gyimah từng ủng hộ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit đã bỏ cuộc đua hôm 10/6.

Điều này dường như gây bất ngờ trong bối cảnh đông đảo người dân Anh ủng hộ thiên hướng này của Gyimah. Tuy nhiên, vị trí thủ tướng tới đây của Anh lại do cơ chế nội bộ trong đảng quyết định chứ không phải do một cuộc bầu cử toàn quốc.

Điều này có nghĩa là bất kỳ chiến dịch tranh cử thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ nào cũng sẽ được đảng này chứ không phải người dân dẫn dắt và định hướng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục