Thủ tướng xem kịch đầu Xuân và động viên nghệ sỹ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thưởng thức vở kịch lịch sử và thăm hỏi, động viên nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam  và Nhà hát Tuổi trẻ.
Tối 7/2/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cùng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo Bộ Công an, Sở Công an Thành phố Hà Nội đến thăm hỏi, động viên Ban giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ; đồng thời xem buổi diễn vở kịch lịch sử “Đạo học.” Vở kịch "Đạo học" của tác giả Bùi Vũ Minh, do đạo diễn NSND Lê Hùng dàn dựng cho tập thể nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam, tâm huyết trong sáng tạo và thể hiện câu chuyện lịch sử mang màu sắc huyền thoại về Danh nhân Văn hóa Chu Văn An-một người thầy lỗi lạc về trí tuệ và nhân cách đạo đức trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Theo ông Trương Nhuận, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: "Các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam đã thể hiện rất xuất sắc vở diễn về cụ Chu Văn An (1292 -1370) - người được tôn vinh là "Người thầy của muôn đời." Có thể nói nghệ sĩ Việt Thắng đã thể hiện rất thành công vai Chu Văn An  khi làm sáng  được cốt cách cương trực của một người học rộng biết nhiều nhưng không ham công danh phú quý, phần lớn cuộc đời ông dành cho sự nghiệp trồng người." Trong đêm diễn, Nghệ sỹ  Xuân Bắc đã vào vai Hoạn quan rất xuất sắc, nghệ sỹ Vĩnh Xương thể hiện vai Thái Thượng Hoàng có chiều sâu và gợi nhiều suy nghĩ về những thách thức với việc giữ gìn và phát triển đạo học ở mọi thời đại.
Thủ tướng xem kịch đầu Xuân và động viên nghệ sỹ ảnh 1   
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng và chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sỹ sau vở diễn

Kết thúc buổi diễn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh và các đồng chí Lãnh đạo ban ngành đã lên sân khấu tặng hoa, chụp ảnh lưu niệm với các nghệ sỹ tham gia đêm biểu diễn. Thủ tướng cũng đã động viên các nghệ sỹ hãy luôn là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hóa./.
Chu Văn An (1292 -1370) là người thầy vĩ đại của dân tộc ta. Học trò của ông có nhiều người đỗ đạt cao như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… được trưởng thành từ ngôi trường tại làng Cung Hoàng (Thanh Trì, Hà Nội). Chu Văn An cũng là người được vua Trần Minh Tông mến mộ sự uyên thâm trong học vấn nên mời ông ra giữ chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho Thái Tử.

Đến thời vua Trần Dụ Tông, bất bình trước thói xu nịnh, đố kỵ, ăn chơi của một số viên quan giữa lúc đất nước gặp thiên tai địch họa, ông đã dâng “thất trảm sớ” xin chém bảy gian thần. Sớ dâng không được phê chuẩn, với trí tuệ và nhân cách của mình, Chu Văn An đã xin treo ấn từ quan, lui về ở ẩn để tiếp tục sự nghiệp trồng người…
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục