Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Hoàng Ngọc Khanh cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chi trả tổng cộng 894,370 tỷ đồng/950,503 tỷ đồng bồi thường sự cố môi trường biển theo Quyết định 1880/QĐ-TTg và Quyết định số 309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Số tiền còn lại sẽ được các địa phương trong tỉnh tiếp tục chi trả cho ngư dân, phấn đấu hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường và ổn định sinh kế cho người dân sau sự cố môi trường biển theo sự chỉ đạo của Chính phủ.
Toàn tỉnh có 39.870 đối tượng được bồi thường; trong đó có 20.419 đối tượng được chi trả theo Quyết định 1880/QĐ-TTg và 19.451 đối tượng được chi trả theo Quyết định số 309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Huyện Phú Vang có 7.396 đối tượng được nhận tiền bồi thường sự cố môi trường biển, lớn nhất tỉnh; tiếp đến là huyện Phú Lộc có 6.765 đối tượng.
Các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà mỗi đơn vị có từ 1.800 đối tượng đến hơn 2.250 đối tượng được nhận tiền đền bù sự cố môi trường biển.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Vang Hồ Viết Nhuận cho biết, các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản và du lịch biển trên địa bàn huyện Phú Vang đang dần ổn định và phát triển.
Ngay sau khi người dân nhận được nguồn kinh phí bồi thường qua các đợt chi trả, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức hướng dẫn người dân trong việc sử dụng tiền bồi thường đúng mục đích để tái sản xuất và ổn định sinh kế bền vững.
[Thừa Thiên-Huế tiếp tục phân bổ bồi thường sự cố môi trường biển]
Ông Trần Hữu Lực, thôn Diên Trường, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) cho biết, ngoài nghề đánh bắt hải sản trên biển, thị trấn Thuận An cũng là vùng nuôi thủy sản khá lớn trên đầm phá.
Kể từ khi xảy ra sự cố môi trường biển, người dân sống bằng nghề đánh bắt và nuôi thủy sản trong vùng đầm phá gặp nhiều khó khăn, sau khi nhận kinh phí bồi thường, các hộ dân đã tái sản xuất, mua giống tôm, cá để phát triển nuôi thủy sản và ổn định đời sống.
Cùng với việc tập trung chi trả tiền bồi thường cho người dân, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với các địa phương tổ chức phổ biến, thực hiện khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội đến các địa phương trong vùng; trong đó, tỉnh tổ chức cho người dân thuộc đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tham gia đăng ký thực hiện các chính sách, tổ chức tham quan các mô hình chuyển đổi nghề nghiệp, mô hình đóng tàu vỏ sắt và composite để phát triển nghề biển và nuôi trồng thủy sản trong vùng đầm phá nhằm ổn định sinh kế bền vững.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, tình hình môi trường biển và đầm phá trên địa bàn đã ổn định, các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản đã dần được khôi phục, phát triển tốt; trong đó, hoạt động khai thác hải sản trên biển ở vùng xa bờ của ngư dân Thừa Thiên-Huế đã và đang tăng dần về sản lượng.
Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản toàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 17.736 tấn, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2016; riêng sản lượng nuôi trồng đạt trên 2.700 tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác đạt trên 14.942 tấn, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước.../.