Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Ba Lan trong lĩnh vực thực phẩm

Theo Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam, Ba Lan có nhu cầu đẩy mạnh trao đổi các mặt hàng nông sản và thực phẩm, hỗ trợ các mối quan hệ trao đổi hợp tác giữa các doanh nghiệp 2 nước.
Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Ba Lan trong lĩnh vực thực phẩm ảnh 1Các doanh nghiệp Việt Nam-Ba Lan trao đổi cơ hội hợp tác tại chương trình giao lưu. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Tối 11/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu Việt Nam-Ba Lan trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước.

Ông Maciej Duszynski, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam chia sẻ quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đang ngày càng phát triển.

Từ nhiều năm nay, EU đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng hóa đứng thứ hai của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại quan trọng của EU. Nhờ đó, mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa Ba Lan và Việt Nam cũng không ngừng phát triển về mọi mặt; trong đó, giao lưu lĩnh vực nông sản, thực phẩm Việt Nam-Ba Lan đã có nhiều dấu ấn quan trọng khi lãnh đạo cấp bộ, ngành đã nhiều lần gặp gỡ trực tiếp và trao đổi kế hoạch hợp tác.

Tuy nhiên, các cơ hội hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia trong lĩnh vực này vẫn chưa được khai thác triệt để. Chính phủ Ba Lan rất quan tâm đến việc mở rộng các chủng loại hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam; trong đó bao gồm cả việc hoàn tất các thủ tục cấp phép nhập khẩu cho nguồn hàng thịt bò và trái việt quất vào Việt Nam.

Ba Lan cũng có nhu cầu đẩy mạnh việc trao đổi các mặt hàng nông sản và thực phẩm khác, hỗ trợ các mối quan hệ trao đổi hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan.

Ông Piotr Harasimowcz, Giám đốc Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam không chỉ nằm trong khu vực thị trường sôi động của châu Á mà còn là một quốc gia có những cơ sở hạ tầng tốt cho việc phát triển thương mại.

Ngoài ra, Việt Nam có tình hình kinh tế chính trị ổn định, đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, là quốc gia tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do và được công nhận là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam mở cửa thị trường, thu hút đầu tư, tạo đà phát triển lâu dài và bền vững và thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo ông Piotr Harasimowcz, Việt Nam là một đối tác tiêu thụ hàng nông sản và thực phẩm quan trọng của Ba Lan. Chỉ riêng trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thực phẩm của Ba Lan sang Việt Nam đã đạt tới con số hơn 143 triệu euro.

Đặc biệt, Ba Lan là một trong những quốc gia có mức độ phát triển mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực kinh doanh thương mại với Việt Nam. Từ tháng 8/2020 cho đến tháng 5/2021, xuất khẩu hàng hóa từ Ba Lan sang Việt Nam tăng 21,5% còn nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Ba Lan tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

[Cơ hội đưa hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam thâm nhập Ba Lan]

Để hướng tới mục tiêu phát triển thương mại hài hòa, cân bằng, hệ thống các văn phòng thương mại nước ngoài của Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối với các công ty và tổ chức địa phương.

Song song với đó, Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan cũng tập trung cung cấp thông tin kinh tế và thương mại trên thị trường nước ngoài, cũng như cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài thông tin về các điều kiện và quy định quản lý hoạt động kinh doanh tại Ba Lan.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong suốt 7 thập kỷ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ba Lan luôn được củng cố không ngừng về mọi mặt; trong đó có quan hệ thương mại và đầu tư.

Đặc biệt, việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã giúp hạn chế phần nào tác động của đại dịch COVID-19 và duy trì đà phát triển tích cực của quan hệ song phương Việt Nam-Ba Lan trong lĩnh vực này.

Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Ba Lan trong lĩnh vực thực phẩm ảnh 2Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Riêng về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Hữu Nam phân tích Việt Nam và Ba Lan đều là hai quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực này, nhưng sản phẩm của hai bên về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà hỗ trợ hiệu quả cho nhau.

Ba Lan hiện có nhu cầu lớn những mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như: gạo, cá tra, cá basa, tôm, sản phẩm xoài, dứa, chanh leo, cà phê, hạt điều…

Ngược lại, Ba Lan có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng như thực phẩm tươi và chế biến, trái cây tươi và đóng hộp, chiết xuất trái cây đậm đặc, thịt bò, thịt cừu, thịt heo… có chất lượng cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn của EU.

Với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bằng công nghệ cao nhiều năm, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ Ba Lan để cải tiến công nghệ nông nghiệp bao gồm đầu tư vào nông nghiệp chuyên ngành, phân bón và máy móc.

Theo ông Nguyễn Hữu Nam, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ba Lan tuy có bước phát triển đáng kể nhưng vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng phát triển của hai bên. Một trong những rào cản cơ bản chính là việc hai bên thiếu thông tin về thị trường của nhau.

Do vậy, việc đoàn doanh nghiệp Ba Lan thường xuyên tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế tại Việt Nam sẽ là kênh quảng bá rất hiệu quả để giới thiệu hình ảnh và sản phẩm-dịch vụ của Ba Lan đến người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai bên cập nhật thông tin thị trường và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới.

Hiện nay, lợi ích của hiệp định EVFTA đối với quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng thể hiện rõ nét. Việt Nam mong muốn Ba Lan tiếp tục ủng hộ việc EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) cũng như sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU với các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ có tác động tích cực giúp nâng tầm quan hệ thương mại vài đầu tư Việt Nam-Ba Lan lên tầm cao mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục