Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới

Đối thoại phát triển địa phương 2021 đề xuất những sáng kiến, mô hình, giải pháp phát triển địa phương, tạo động lực cho sự bứt phá của địa phương trong giai đoạn 2021-2030, hướng tới tầm nhìn 2045.
Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới ảnh 1Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sáng 13/7, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Đối thoại phát triển địa phương 2021 theo hình thức trực tuyến với các điểm cầu tại Thủ đô Hà Nội và 58 địa phương trên cả nước.

Đối thoại được tổ chức với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua trường Đại học Idiana (Hoa Kỳ) và Viện Sáng kiến Việt Nam với chủ đề: “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới.”

Đây là lần đầu tiên Đối thoại phát triển địa phương được tổ chức trực tuyến trên quy mô toàn quốc để lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác phát triển quốc tế cùng nhau trao đổi, thảo luận với tinh thần thẳng thắn và nhìn thẳng vào thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những sáng kiến, mô hình, các giải pháp phát triển địa phương, tạo động lực cho sự bứt phá của phát triển địa phương trong giai đoạn 2021-2030, hướng tới tầm nhìn 2045.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng chủ trì Đối thoại.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

[Tin tưởng, kỳ vọng vào đường hướng phát triển đất nước giai đoạn mới]

Phát biểu khai mạc sự kiện, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết Đối thoại phát triển địa phương 2021 diễn ra vào thời điểm năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng là khi các địa phương tích cực triển khai nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp trong bối cảnh đất nước và thế giới đang biến chuyển rất nhanh chóng với nhiều thuận lợi, thời cơ lẫn khó khăn, thách thức đan xen.

Đặc biệt, đợt bùng phát lần thứ tư của đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức rất lớn cho cả nước và các địa phương trong việc thực hiện “mục tiêu kép;” vừa quyết liệt trong phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhằm đạt được sự cân bằng hợp lý giữa phát triển kinh tế và bảo đảm sức khỏe, an toàn cho mọi người dân. Phát huy tinh thần trách nhiệm cao và nỗ lực sáng tạo, các địa phương đã chủ động thích nghi, chuyển sang trạng thái “bình thường mới.”

“Trạng thái bình thường mới đòi hỏi chúng ta cần nắm bắt các cơ hội trong thách thức. Với nhận thức 'trong nguy có cơ', ngay lúc này, chúng ta cần nghĩ đến những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội không chỉ trong hoàn cảnh có đại dịch mà cả sau khi đại dịch kết thúc để đạt được các kết quả khả quan ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ, tạo tiền đề và xung lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của giai đoạn 2021-2025, thiết lập nền tảng thuận lợi cho phát triển trong những năm tiếp theo” - Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng đã nhấn mạnh một số điểm gợi mở để thảo luận tại Đối thoại. Đó là việc, nâng cao năng lực quản trị thực thi để biến quyết tâm thành những chiến lược, chính sách, đưa chính sách đi vào hành động thực tế và từ hành động tạo ra được các kết quả phát triển thiết thực đối với người dân.

Theo đó, ở các cấp địa phương, quản trị thực thi là công cụ hữu hiệu để góp phần xử lý tốt mối quan hệ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong các vấn đề phát triển.

Quản trị thực thi là cơ chế giúp đánh giá cán bộ một cách khách quan; bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số là xu hướng của thời đại khi nền tảng công nghệ nói chung và kết nối internet nói riêng hiện nay đã rất phát triển. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, từ cấp lãnh đạo Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp cũng mọi người dân.

Tham gia vào quá trình chuyển đổi số không chỉ là công việc của các nhà hoạch định chính sách, các nhà công nghệ, mà là của mỗi người dân. Đây là ý nghĩa của việc lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số và sự thật là người dân đã tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong ngay cả sinh hoạt hàng ngày của mình.

Để thực hiện chuyển đổi số, theo Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, cần quan tâm ba yếu tố cơ bản.

Một là hạ tầng công nghệ - đây là điều kiện cần mang tính then chốt, quyết định chất lượng chuyển đổi số.

Hai là hệ thống thể chế, chính sách liên tục được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tiến bộ công nghệ nhanh chóng và sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới, thậm chí chưa từng có, cùng với những cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm.

Ba là phát triển nhân tố con người; trong đó, người lãnh đạo ở mọi cấp phải có nhận thức, quyết tâm và tài tổ chức thực hiện, cùng với nguồn nhân lực phải được đào tạo các kỹ năng phù hợp trong không gian số.

“Để có được ba yếu tố quan trọng này, rất cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương, từ đó từng bước đạt được các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số theo lộ trình đã vạch ra” -Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, trạng thái bình thường mới đòi hỏi sự thích nghi với những rủi ro ngày càng gia tăng trong quá trình phát triển, không chỉ với đại dịch mà còn có các thách thức an ninh phi truyền thống khác, nhất là tình trạng thiên tai, thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống nhân dân.

Điều đó càng cho thấy, cần đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh để tạo ra những dư địa phát triển mới, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và mang lại lợi ích tổng thể trong dài hạn.

Đồng quan điểm với Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ có hai vấn đề rất quan trọng sẽ đóng góp vào quá trình tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam thời gian tới. Đó là vấn đề về chuyển đổi số, cũng như quá trình tăng trưởng carbon thấp, xanh hóa nền kinh tế. Đây cần được coi là những ưu tiên hàng đầu cho nền kinh tế Việt Nam. Nếu kết hợp được hai yếu tố này, tăng trưởng năng suất sẽ tăng được từ 1-2 điểm phần trăm.

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh dịch COVID-19, Việt Nam đã tăng cường áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là Chính phủ điện tử, thương mại điện tử. Hai lĩnh vực này cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Bà Carolyn Turk cho rằng, Việt Nam cần tìm hiểu thêm một số mô hình chuyển đổi số từ các quốc gia láng giềng. Ngân hàng Thế giới cam kết tham gia hợp tác với Việt Nam trong nghiên cứu, phân tích, từ đó đưa ra những khuyến nghị mạnh mẽ, có hỗ trợ cụ thể cho Việt Nam trong quá trình này.

Tại Đối thoại, các đại biểu từ các tổ chức quốc tế, chuyên gia nghiên cứu, các địa phương đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết với kinh nghiệm, sáng kiến, giải pháp có giá trị cao để các địa phương cất cánh, phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục