Liên quan đến sự cố ngập cục bộ trên đường Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây vào cuối tháng Bảy vừa qua, Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ cùng các bên liên quan thuê đơn vị tư vấn độc lập, chuyên ngành để khảo sát tìm nguyên nhân chính xác gây ngập.
Cống đáp ứng yêu cầu thoát nước
Trong báo cáo của Ban quản lý dự án Thăng Long gửi Bộ Giao thông Vận tải, kết quả kiểm tra, đánh giá của Tư vấn thiết kế kỹ thuật 533 và Tư vấn giám sát Liên danh Tedi-VJEC qua kiểm tra hiện trường cho thấy, hiện tượng ngập úng cục bộ tại phạm vi Km25+369-Km25+469 có nguyên nhân bắt nguồn từ việc nước ở sông Phan dâng cao, dềnh vào hạ lưu cống Km25+419, dẫn đến nước từ thượng lưu không thoát được qua cống, chảy tràn lên mặt đường, gây ngập úng cục bộ.
Cống Km25+419 thiết kế với khẩu độ 2,5x2,5m được bố trí để thoát nước lưu vực từ trái tuyến qua phía phải tuyến và đổ về dòng chảy tự nhiên dẫn ra sông Phan. Rà soát lưu vực thực tế và bảng tính toán thủy văn có thể khẳng định, khẩu độ thiết kế cống là đáp ứng yêu cầu thoát nước của lưu vực tự nhiên phía trái tuyến cao tốc (phạm vi từ Km25+100-Km25+900).
Về nguyên nhân nước sông Phan dâng cao, dềnh vào hạ lưu cống km25+419, đơn vị tư vấn thiết kế đánh giá khoảng thời gian từ ngày 26-29/7, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói chung, khu vực xã sông Phan và các khu vực lân cận dự án liên tục có mưa lớn và kéo dài, đặc biệt là đêm ngày 28/7, rạng sáng ngày 29/7.
[Tìm nguyên nhân gây ngập trên cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây]
Mặc khác, sông Phan có dòng chảy uốn lượn quanh co; khi xuất hiện mưa bất thường, kết hợp lượng nước được xả lũ của đập sông Phan đã gây dềnh, ngập cục bộ nhiều nhà và vườn cây thanh long của người dân cạnh sông Phan. Theo phản ánh của người dân địa phương, đợt mưa và ngập trên nhiều đoạn của sông Phan vừa qua là hiện tượng bất thường, hàng chục năm nay không xuất hiện.
Từ đánh giá nguyên nhân như trên và kết quả khảo sát thực địa, đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất giải pháp trước mắt, khẩn trương thanh thải lòng sông Phan (chặt cây, thanh thải đất sạt lở ...) phạm vi từ hạ lưu cống Km25+419 trên sông Phan đến hạ lưu cầu sông Phan (Km24+384), qua vị trí cầu khoảng 150m, đề phòng mưa lớn bất thường xuất hiện, tiếp tục xảy ra gây ngập úng.
Để có thể khẳng định và có giải pháp xử lý triệt để, đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất cần có thời gian khảo sát, nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng cho cả lưu vực và dòng chảy sông Phan từ hạ lưu đập sông Phan đến đường cao tốc.
Chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ngập
Qua kiểm tra hiện trường và báo cáo của các bên liên quan, Ban quản lý dự án Thăng Long đánh giá nguyên nhân gây ra ngập cục bộ mặt đường cao tốc phạm vi Km25+419 là do nước ở sông Phan dâng cao, dềnh vào hạ lưu cống Km25+419, kết hơp nước từ thượng lưu không thoát được qua cống, chảy tràn lên mặt đường.
Ngoài ra, Tư vấn thiết kế mới kiểm tra thực tế và số liệu khảo sát sơ bộ, các nhận định từ dữ liệu khảo sát còn mang tính định tính, chưa so sánh với các số liệu đầu vào khi tính toán thiết kế để tìm ra sự sai khác để có đánh giá nguyên nhân thực sự.
Do đó, lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long nhìn nhận giải pháp của tư vấn thiết kế, trước mắt thanh thải lòng sông Phan (chặt cây, thanh thải đất sạt lở ...) phạm vi từ hạ lưu cống Km25+419 trên sông Phan đến hạ lưu cầu sông Phan (Km24+384), qua vị trí cầu khoảng 150m chưa đảm bảo độ tin cậy, không dự báo được hiệu quả của phương án.
“Việc thanh thải về lý thuyết cũng có một tác dụng nhất định trong việc tăng tốc độ lưu thông của dòng chảy trên đoạn thanh thải, tuy nhiên chưa xét đến tác động khi mà cả dòng sông chỉ khơi thông một đoạn ngắn như vậy,” lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long cho hay.
[Đề xuất phương án chống ngập trên cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây]
Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch cũng như tìm ra nguyên nhân chính xác của việc ngập nước từ đó có giải pháp xử lý triệt để, Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ cùng các bên liên quan tổ chức thuê đơn vị tư vấn độc lập, chuyên ngành về tính toán thủy lực, thủy văn để khảo sát, tính toán làm cơ sở đề xuất phương án đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án.
Ban quản lý dự án Thăng Long yêu cầu tư vấn thiết kế khẩn trương hoàn thiện công tác khảo sát thực tế, so sánh đánh giá với các số liệu tính toán thiết kế ban đầu để tìm ra nguyên nhân từ đó đề xuất giải pháp cho phù hợp (thời gian yêu cầu tư vấn xong trước ngày 20/8).
Đối với giải pháp thanh thải lòng sông, tư vấn thiết kế cần khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ phương án xử lý, tiếp thu ý kiến nhận xét đánh giá của các bên liên quan để Ban quản lý dự án Thăng long có cơ sở làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương để triển khai (xong trước ngày 15/8)
Sau khi có kết quả của phương án xử lý triệt để, Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ tổ chức đánh giá, xác định trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan để từ đó có chế tài xử lý phù hợp, đảm bảo không làm phát sinh chi phí của dự án và tuân thủ quy định hiện hành đồng thời Ban sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kết quả thực hiện./.
Dự án Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, trong đó tuyến chính đã hoàn thành, đưa vào khai thác tạm từ 30/4/2023. Trong quá trình khai thác tạm đến nay, dự án đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo an toàn giao thông, lưu thông thông suốt. Tuy nhiên, rạng sáng ngày 29/7, mặt đường phạm vi cống Km25+419 thuộc Gói thầu số 2-XL xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ (trên chiều dài khoảng 100m, điểm ngập sâu nhất khoảng 0,7m), gây tắc nghẽn giao thông trên tuyến. |