Thương hiệu quốc gia: Tái định vị để thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế

Các thương hiệu cần nằm dưới nền tảng chung là chương trình Thương hiệu quốc gia và Việt Nam phải tìm ra sản phẩm đặc thù có chất lượng cao.
Thương hiệu quốc gia: Tái định vị để thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế ảnh 1Các chương trình Xúc tiến thương mại giúp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chương trình Thương hiệu quốc gia sau 16 năm triển khai đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần phát triển và bảo vệ thương hiệu, nâng cao giá trị thương hiệu song trong bối cảnh mới, chương trình cần tạo ra điểm nhấn và là một công cụ hữu hiệu để quảng bá hình ảnh quốc gia, đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế.

Đây là ý kiến đưa ra tại Hội thảo “Xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới” do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức ngày 28/11, tại Hà Nội.

[Việt Nam tăng 8 bậc trong bảng xếp hạng Thương hiệu quốc gia]

Tăng 8 bậc trong bảng xếp hạng quốc tế

Thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.

Đây là một chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn, được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện từ năm 2003. Chương trình nhằm quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là một quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại), từ con số 30 doanh nghiệp được công nhận có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia vào năm 2008, thì sau 10 năm con số này được nâng lên là 97 doanh nghiệp.

Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia đều có tăng trưởng về lợi nhuận và đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Thống kê cho thấy, nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2019, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu đạt trên 9,3 tỷ USD trong đó trên 50% doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, như Thaco, Hòa Phát, Vinamilk, Vietcombank, Vietnam Airlines…

Thương hiệu quốc gia: Tái định vị để thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế ảnh 2Các đại biểu dự Hội thảo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Còn theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019 do tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu quốc gia (Brand Finance) công bố, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD, tăng 12 tỷ USD (tương đương mức tăng 5,4%) so với con số 235 tỷ USD được công bố vào năm 2018.

Đáng chú ý, trong 3 năm gần đây, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng 8 bậc và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thành tích xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp.

Trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia vào 2030

Dù vậy, trong bối cảnh mới, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn với thế giới và tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, Chương trình Thương hiệu quốc gia cũng cần phải thay đổi để phù hợp hơn với thực tiễn.

Cho rằng để lọt vào top 30 thương hiệu thế giới, ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á Thái Bình Dương nhìn nhận, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cần có các giải pháp để giúp sản phẩm và thương hiệu mạnh trong nước vươn ra thế giới.

"Đơn cử, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào thương hiệu chứ không phải chỉ tập trung vào sản phẩm. Bên cạnh đó, các thương hiệu cần nằm dưới nền tảng chung là chương trình Thương hiệu quốc gia và Việt Nam phải tìm ra sản phẩm đặc thù có chất lượng cao, như vậy sẽ giúp cho việc xây dựng thương hiệu nhanh hơn," ông nói.

Dẫn chứng từ chương trình Quảng bá du lịch, ông cho rằng đây là một điểm nhấn tốt để quảng bá hình ảnh Việt Nam song trên thực tế đứng ở bên ngoài nhìn vào, chương trình này vẫn chưa gắn với Chương trình Thương hiệu quốc gia.

Đề cập đến 3 tiêu chí mà Chương trình đưa ra, ông Samir Dixit chia sẻ thêm về chất lượng các thương hiệu trên thế giới đều hướng đến. Nhưng, cách nhìn nhận về 2 tiêu chí còn lại thì khác nhau.

“Ở Việt Nam nhấn mạnh đến Đổi mới và tiên phong song thế giới lại không đánh giá cao 2 yếu tố này. Chính vì vậy, để xây dựng thương hiệu quốc gia cần đứng ở góc nhìn quốc tế để nhận xét, vì từ trong nhìn vào sẽ rất chủ quan. Nghĩa là xem cộng đồng quốc tế quan tâm đến gì thì cần tập trung vào vấn đề đó, có vậy thương hiệu mới vươn ra được thế giới,” chuyên gia đến từ Brand Finance nêu ý kiến.

Thương hiệu quốc gia: Tái định vị để thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế ảnh 3Doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2018. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thông tin thêm, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết, nội dung của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp với các hoạt động  ngoại giao, đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch..., từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Chương trình sẽ tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của Thương hiệu sản phẩm nhằm đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước.

- Ông Hoàng Minh Chiến nói về Chương trình Thương hiệu quốc gia:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục