Thường trực Ban Bí thư: Tuyên Quang đổi mới mô hình tăng trưởng

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị Tuyên Quang tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu.
Thường trực Ban Bí thư: Tuyên Quang đổi mới mô hình tăng trưởng ảnh 1Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Vũ Quang Đán/TTXVN)

Sáng 4/11, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh (4/11/1831-4/11/2021), 30 năm tái lập tỉnh Tuyên Quang (1991-2021) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

Dự lễ kỷ niệm có các Ủy viên Bộ Chính trị: ông Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Tuyên Quang và đông đảo bà con các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chúc mừng, biểu dương và ghi nhận những thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã đạt được trong những năm qua.

Ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng của Tổ quốc. Trong tiến trình phát triển, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã xây đắp, gìn giữ, lưu truyền những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, anh dũng, kiên cường, góp phần làm rạng danh trang sử hào hùng của dân tộc ta.

Địa danh Tuyên Quang gắn với nhiều sự kiện trọng đại, mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng nước ta. Những năm đầu cách mạng, Trung ương Đảng, Bác Hồ đã chọn Tuyên Quang làm Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, có ý nghĩa quyết định thành công của Cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lịch sử giao phó cho Tuyên Quang sứ mệnh là Thủ đô kháng chiến, căn cứ địa quan trọng của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và các cơ quan Trung ương.

Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, Tuyên Quang cùng các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc đã làm tròn nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Những năm tháng chống đế quốc Mỹ, quân và dân Tuyên Quang vừa tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ quê hương, vừa chi viện sức người, sức của cho miền Nam, cùng cả dân tộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Võ Văn Thưởng đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang cần có giải pháp phù hợp, thích ứng linh hoạt, hạn chế tác động của đại dịch COVID-19 đến mọi mặt của đời sống xã hội, bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.

Tỉnh tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Tuyên Quang huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất công nghiệp, chú trọng phát triển những ngành công nghiệp lợi thế, hiệu quả cao; đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại...

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Tuyên Quang phải hết sức chăm lo bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá cao đẹp của các dân tộc; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; coi trọng phát triển giáo dục-đào tạo…; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ngoài ra, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cần gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị to lớn của Khu di tích lịch sử Tân Trào, để nơi đây không chỉ là một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, nhất là thế hệ trẻ mà còn phải trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng hàng đầu của vùng trung du, miền núi phía Bắc và cả nước; là điểm đến quan trọng trong hành trình thăm quan, nghiên cứu của đồng bào cả nước và khách quốc tế…

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm nêu rõ Tuyên Quang là vùng đất có lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Từ buổi bình minh của lịch sử, thuở vua Hùng dựng nước, Tuyên Quang nằm trong Bộ Vũ Định của nước Văn Lang.

Tháng 11/1831, vua Minh Mệnh tiến hành cải cách bộ máy hành chính, chia định địa hạt, từ Quảng Trị trở ra thành 18 tỉnh, trong đó Tuyên Quang chính thức trở thành một tỉnh của Nhà nước Việt Nam. Sự kiện này mang ý nghĩa đặc biệt, lần đầu tiên xuất hiện tên gọi tỉnh Tuyên Quang. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định sự phát triển về mọi mặt của vùng đất này, mở ra một thời kỳ phát triển mới với những trang sử vẻ vang của Tuyên Quang. Với ý nghĩa đó, ngày 4/11/1831 đã được chọn làm ngày thành lập tỉnh Tuyên Quang.

[Ông Chẩu Văn Lâm tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang]

Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, Tuyên Quang luôn được coi là bức bình phong, là “phên giậu” che chắn cho miền châu thổ. Đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã có những cống hiến xuất sắc trong công cuộc dựng nước và bảo vệ đất nước khỏi họa xâm lăng của các thế lực phong kiến phương Bắc.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn một lòng, sắt son theo Đảng, viết tiếp những trang sử hào hùng của tổ tiên, ông cha xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.

Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang là nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ ở và lãnh đạo cuộc Cách mạng của dân tộc; là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, quyết định vận mệnh của dân tộc.

Từ vùng đất giàu truyền thống cách mạng này, nhiều quyết sách quan trọng đã ra đời quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vừa xây dựng, bảo vệ quê hương, vừa tích cực góp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hòa bình lập lại, Tuyên Quang và Hà Giang được sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Trong 16 năm sáp nhập tỉnh (1976-1991), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Tuyên đã đoàn kết, thống nhất vượt qua mọi khó khăn gian khổ, xây dựng quê hương, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Sau 16 năm hợp nhất, ngày 1/10/1991, tỉnh Tuyên Quang được tái lập. Việc xác định lại quy mô của tỉnh là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Quyết định đó đã tạo nên bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu mới của Tuyên Quang trên con đường xây dựng và phát triển.

Thường trực Ban Bí thư: Tuyên Quang đổi mới mô hình tăng trưởng ảnh 2Thành phố Tuyên Quang hôm nay đổi mới từng ngày. (Ảnh: Vũ Quang Đán/TTXVN)

Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm kinh tế thấp, qua 30 năm tái lập tỉnh, đến nay Tuyên Quang đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với nền tảng kinh tế-xã hội phát triển vững chắc. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển mạnh, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả kinh tế cao được hình thành với giá trị sản xuất bình quân đạt 96 triệu đồng/ha đất trồng trọt.

Tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức quy hoạch bài bản các khu du lịch trọng điểm, thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển mạnh mẽ, ngày càng đồng bộ. Đến nay, 100% số xã và 99% thôn, bản có đường ô tô; trên 97 % đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã được nhựa hóa.

Với phương thức "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ," từ năm 2011-2020, toàn tỉnh bêtông hóa trên 4.200km đường giao thông nông thôn. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 98%...

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được quan tâm, mạng lưới y tế phát triển sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, ứng phó tốt với các tình huống, nhất là phòng chống đại dịch COVID-19 trong gần 2 năm qua, góp phần giữ vững “vùng xanh," bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong đó tập trung thực hiệu quả 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm là: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số đồng bộ, theo hướng hiện đại; thu hút đầu tư, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập.

Tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội; phát triển công nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thị trường.

Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Võ Văn Thưởng đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục