"Thủy điện Lai Châu là công trình lớn, quan trọng"

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thủy điện Lai Châu là công trình lớn, quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng Tây Bắc.
Ngày 4/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã đến thị sát địa điểm xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu - dự án trọng điểm Quốc gia và là dự án thủy điện cuối cùng trong quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Đà.

Dự án này dự kiến sẽ được Chính phủ trình ra Quốc hội thảo luận và quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp lần này.

Phát biểu tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đều bày tỏ sự nhất trí đối với chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu cũng như nhanh chóng có những bước chuẩn bị cho việc khởi công nhà máy.

Nếu được Quốc hội thông qua Chủ trương đầu tư tại kỳ họp này thì thời gian còn lại chỉ là 1 năm để tiến hành tất cả các công việc chuẩn bị cho việc khởi công vào cuối năm tới, trong khi đó địa bàn xây dựng nhà máy hết sức phức tạp, khối lượng đất đá phải đào đắp là rất lớn.

Đặc biệt, tiến độ của dự án phải đảm bảo hết sức nghiêm ngặt nhằm đảm bảo phù hợp với kế hoạch tích nước vào năm 2011 của thủy điện Sơn La phía dưới. Do đó, chủ đầu tư, các bộ ngành cũng đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng những cơ chế đặc thù, cho phép tiến hành trước một số hạng mục, phê duyệt nhanh các thủ tục liên quan để đảm bảo dự án được tiến hành đúng kế hoạch và tiến độ đề ra.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dự án thủy điện Lai Châu là công trình lớn, quan trọng và là dự án cuối cùng trong quy hoạch bậc thang thủy điện Sông Đà, sau các dự án thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Nậm Chiến, Nậm Na.

Việc xây dựng và hoàn thành dự án này không chỉ cung cấp một sản lượng điện lớn cho quốc gia mà còn góp phần phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bố trí lại dân cư, sản xuất của tỉnh Lai Châu, và của cả vùng Tây Bắc nói chung.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đánh giá cao chủ đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, tỉnh Lai Châu trong việc chuẩn bị dự án Báo cáo Chính phủ và Quốc hội; đồng thời song song chuẩn bị các điều kiện để khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư thì có thể triển khai được ngay. Đảm bảo việc khởi công dự kiến vào cuối năm 2010, đưa tổ máy số 1 phát điện vào năm 2015 và tổ máy số hai vào năm 2016.

Bên cạnh việc chuẩn bị dự án đầu tư, chủ đầu tư và tỉnh Lai Châu đồng thời hoàn thành quy hoạch và phương án di dân, tái định cư; các cơ chế đặc thù về thi công công trình để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thủ tướng cũng cho phép áp dụng chỉ định thầu ở một số hạng mục, áp dụng một số cơ chế đặc thù như mô hình đang áp dụng ở thủy điện Sơn La; sử dụng tổ hợp nhà thầu đang đang thi công thủy điện Sơn La lên thi công thủy điện Lai Châu. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu phải đảm bảo được các mục tiêu về tiến độ, chất lượng và an toàn của dự án.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lai Châu phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Bộ ngành liên quan làm tốt quy hoạch, phương án di dân tái định cư gắn với việc chuyển dịch sản xuất, cơ cấu kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân ở nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Phấn đấu xây dựng các điểm, cụm tái định cư này trở thành những mô hình mẫu về tái định cư trong cả nước.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), địa điểm xây dựng nhà máy được xác định đặt tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, gồm 2 tổ máy với tổng công suất 1.200MW, sản lượng điện bình quân hơn 4,7 tỷ kwh/năm.

Dung tích toàn bộ hồ chứa hơn 1,2 tỷ m3, chiều cao đập lớn nhất 120m. Tổng mức đầu tư sơ bộ trên 32.000 tỷ đồng. Số dân phải di dời, tái định cư là hơn 2.000 hộ, tức hơn 10.000 người.

Đối với tỉnh Lai Châu, việc xây dựng nhà máy thủy điện tại đây được đánh giá là một cơ hội đặc biệt giúp địa phương chuyển dịch sản xuất, bố trí lại dân cư, cơ cấu kinh tế, xây dựng hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt, đối với Mường Tè - một trong số ít huyện đặc biệt khó khăn trong cả nước thì dự án sẽ tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nơi đây.

Với tinh thần chuẩn bị cho dự án thủy điện Lai Châu, tỉnh đã xây dựng phương án di dời hơn 10.000 nhân khẩu thuộc 9 xã bị ngập đến 8 khu, 34 điểm tái định cư. Gắn với quá trình tái định cư, tỉnh cũng đề xuất dự án trồng 10.000 ha cao su nhằm giúp người dân chuyển đổi mô hình sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục