Ngày 30/11, Thụy Sĩ đã tổ chức cùng lúc ba cuộc trưng cầu dân ý về các vấn đề tăng dự trữ vàng trong nước, hạn chế người nhập cư và bãi bỏ ưu đãi thuế cho người nước ngoài giàu có.
Khoảng 5 triệu công dân Thụy Sĩ trên 18 tuổi có thời gian hai giờ cho đến 11:00 GMT (tức 18:00 giờ Hà Nội) để bỏ phiếu qua đường bưu điện về ba vấn đề trên.
Trong cuộc trưng cầu dân ý thứ nhất về dự trữ vàng quốc gia do đảng cánh hữu Nhân dân Thụy Sĩ đề xuất, người dân sẽ đưa ra ý kiến ủng hộ hay phản đối sáng kiến cấm Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ bán dự trữ vàng của đất nước và phải tăng dự trữ vàng lên mức ít nhất 20% tài sản chính thức, tức là cao gấp ba lần hiện nay.
Quy định này, nếu được thông qua, được giới phân tích đánh giá sẽ gây biến động lớn trên thị trường vàng thế giới do Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ sẽ phải mua bổ sung cho đủ lượng vàng quy định.
Về vấn đề hạn chế người nhập cư dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường, những người đề xuất cuộc trưng cầu ý dân muốn giảm lượng người nước ngoài nhập cư sao cho dân số Thụy Sĩ tăng mỗi năm không quá 0,2% trong vòng ba năm.
Nếu được đa số người dân ủng hộ, quy định này sẽ liên quan đến 16.000 người nhập cư mỗi năm ở Thụy Sĩ.
Chính phủ và giới chủ doanh nghiệp Thụy Sĩ đã kêu gọi người dân bỏ phiếu "phản đối" để tránh những thiệt hại cho nền kinh tế đất nước, vốn đang có sự đóng góp của 1/4 số dân là người nhập cư này.
Một tác động mạnh nữa đến dòng người nhập cư - trong trường hợp được thông qua, là đề xuất bãi bỏ ưu đãi thuế cho người nước ngoài giàu có đang sống nhưng không làm việc tại Thụy Sĩ.
Một bộ phận người dân Thụy Sĩ cho rằng việc những người giàu sinh sống tại Thụy Sĩ được phép đóng thuế theo chi tiêu chứ không phụ thuộc vào thu nhập, là không công bằng.
Tuy nhiên, nếu ý kiến nhận được ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 30/11 thì nó sẽ tác động đến khoảng 5.700 tỷ phú, triệu phú nước ngoài đang sống tại Thụy Sĩ.
Những người hiện đang đóng khoảng 1,04 tỷ USD tiền thuế mỗi năm cho các bang của Thụy Sĩ.
Theo luật Thụy Sĩ, một sáng kiến chỉ được coi là đã được thông qua trong trưng cầu ý dân khi không chỉ giành được hơn 50% số phiếu của người tham gia trưng cầu, mà còn phải được hơn một nửa trong tổng số 26 bang của nước này chấp thuận.
Theo giới quan sát, cả ba cuộc trưng cầu ý dân lần này đều có nguy cơ thất bại vì số người phản đối đang vượt trội, ngoài ra chúng sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ của Thụy Sĩ với Liên minh châu Âu (EU)./.