Tiềm năng quặng sa khoáng ven biển Bắc Trung bộ

Quặng sa khoáng ở ven biển Bắc Trung bộ lên tới 16,2 triệu tấn khoáng vật nặng có ích, đặc biệt là các loại quặng titan, zircon, monazit.
Kết quả điều tra mới của Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ, qua thực hiện đề án "Điều tra, đánh giá triển vọng sa khoáng ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế", cho thấy ven biển Bắc Trung bộ có nhiều tiềm năng quặng sa khoáng.

Tiềm năng quặng sa khoáng ở khu vực này lên tới 16,2 triệu tấn khoáng vật nặng có ích, đặc biệt là các loại quặng titan, zircon, monazit.

Nhìn chung, tinh quặng có chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao, có ý nghĩa rất lớn để phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Sa khoáng ven biển Bắc Trung bộ có quy mô rất khác nhau. Quy mô nhỏ có các sa khoáng ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình với chiều dài hàng trăm mét đến vài km, chiều rộng hàng trăm mét, bề dày tầng sản phẩm từ vài mét đến 10m.

Các sa khoáng quy mô trung bình có ở Nam Thanh Hóa, Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Vĩnh Linh (Quảng Trị) với chiều dài từ 2-15km, chiều rộng hơn 1km, bề dày 5-8m.

Sa khoáng lớn có ở Thừa Thiên-Huế, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Nghệ Tĩnh) với chiều dài hàng chục km, rộng hàng km, bề dày 10-20m, có nơi như Quảng Ngạn lên đến trên 30m.

Về địa mạo, các sa khoáng trên khu vực này chủ yếu là các dải cồn cát, đụn cát ven biển, một số ít là bãi biển hiện đại, bãi triều và các cồn cát của đường bờ biển cổ.

Thân quặng titan-zircon đều nằm lộ thiên hoặc dưới lớp phủ mỏng hơn 0,5m, hàm lượng khoáng vật nặng có ích phổ biến là 0,5-1% và có xu thế giảm theo chiều sâu.

Thành phần cát chứa quặng chủ yếu là thạch anh (95%), quặng có cỡ hạt chủ yếu nhỏ hơn 0,2mm thuộc loại dễ tuyển trọng lực, đều đáp ứng đủ yêu cầu làm nguyên liệu chế biến sâu và xuất khẩu./.

Văn Hào (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục