Tiềm năng thủy sản Việt Nam trên đường hội nhập

Ngày 25/4, trong khuôn khổ Festival Thủy sản, hội thảo "Thủy sản Việt Nam - Tiềm năng - Phát triển và hội nhập” đã diễn ra tại Cần Thơ.
Ngày 25/4, trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam 2010, hội thảo với chủ đề "Thủy sản Việt Nam - Tiềm năng - Phát triển và hội nhập” đã diễn ra tại Cần Thơ

Hội thảo đánh giá ngành thủy sản Việt Nam còn nhiều hạn chế như phương tiện, kỹ thuật đánh bắt xa bờ qui mô còn nhỏ, lạc hậu, hậu cần thiếu đồng bộ, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, chất lượng cao, chủ động phòng dịch bệnh còn hạn chế, nhiều thời điểm, nguồn nguyên liệu thiếu ổn định.

Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản còn chịu nhiều sức ép. Biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập (đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long) ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích, sản lượng, chất lượng, tính ổn định của nuôi trồng.

Nhằm khắc phục các khó khăn trên và hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 đưa diện tích nuôi trồng lên 890.000ha, sản lượng đạt 3,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 5,5 tỉ USD, hội thảo đã đưa ra các giải pháp ngay từ bây giờ là phải qui hoạch, điều chỉnh nuôi trồng, gắn sản xuất với thị trường, trước hết là qui hoạch, xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu cho vùng nước ngọt, nước lợ, phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu.

Cùng với việc tập trung đào tạo nhân lực cho nuôi trồng, khai thác và chế biến với đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ cao, việc sản xuất phải theo hướng cộng đồng thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội nuôi nhằm giảm bớt rủi ro và gắn với bảo vệ môi trường.

Đối với khai thác, cần giao cho dân, hợp tác mặt nước ven bờ để nâng cao chất lượng quản lý tại khu vực này, giảm sức ép, tiến tới chấm dứt khai thác quá mức ở ven bờ.

Để tạo được uy tín vững vàng của sản phẩm thủy sản, cần quản lý chặt hơn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ mở rộng chế biến, xuất khẩu, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; đổi mới công nghệ, đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng tốt các đòi hỏi khắt khe của thị trường.

Ngành thủy sản cũng cần phát triển mạnh hệ thống thông tin thị trường, giá cả, quảng bá tiếp thị sản phẩm. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất giống để nâng cao chất lượng con giống, trước hết là cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, các loài nhuyễn thể, cá biển.

Cùng với đó, cần nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống cảng cá, trước hết tại các địa phương có diện tích nuôi lớn, có sản lượng khai thác nhiều; xây dựng kết hợp khu neo đậu tránh bão và dịch vụ hậu cần lớn, trước hết tại Côn Đảo, Phú Quốc (Kiên Giang), Cà Mau, nâng cấp, đổi mới trang thiết bị tàu cá, tạo thành mạng lưới các trạm bảo dưỡng, tiểu tu tàu cá tại các tỉnh ven biển, tiến tới xây dựng các đội tàu cá công nghiệp trong thời gian tới.

Ngoài ra, ngành cũng cần xây dựng các chợ thủy sản đầu mối gắn với các cảng cá ở từng vùng, miền.

Hội thảo đánh giá thủy sản là thế mạnh được thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam. Hiện cả nước có 15 ngư trường sâu từ 10-280m, phần lớn có thể khai thác quanh năm và 1 triệu ha nuôi trồng, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 70% diện tích và 90% sản lượng nuôi, xuất khẩu.

Ngành thủy sản Việt Nam tạo việc làm cho 4 triệu lao động, hiện xuất khẩu qua 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nếu năm 2000, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 1,5 tỉ USD thì đến năm 2009 đạt 4,2 tỉ USD và năm 2010 có thể đạt 4,5 tỉ USD, trong đó cá da trơn đạt 1,4 tỉ USD./.

Thế Đạt (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục