Tiền Giang khắc phục 10 điểm nghẽn trong phát triển kinh tế vùng

Tiền Giang đã khắc phục được tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư.
Tiền Giang khắc phục 10 điểm nghẽn trong phát triển kinh tế vùng ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại Hội nghị liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Để trở thành một trong những "đầu tàu" thúc đẩy phát triển kinh tế vùng với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, sức cạnh tranh cao, Tiền Giang đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp hướng tới sử dụng hiệu quả nguồn lực trong tăng trưởng. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết tỉnh sẽ tập trung giải quyết và khắc phục 10 điểm nghẽn chính, đồng thời huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội.

Cụ thể, tỉnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với không gian phát triển kinh tế quốc gia, vùng, liên vùng Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long với ba vùng trọng điểm phát triển là vùng kinh tế ven biển, vùng công nghiệp lớn Tân Phước và vùng kinh tế dọc sông Tiền; phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và đô thị xanh, thông minh, dịch vụ du lịch, thương mại, logistics, thị trường bất động sản theo hướng tích hợp thay vì chỉ chú trọng từng ngành biệt lập.

Mặt khác, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, chuẩn bị tốt hạ tầng kinh tế nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh, lan tỏa đến nền kinh tế của tỉnh.

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế chủ lực, đặc biệt là nguồn nhân lực đáp ứng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển đô thị thông minh tại thành phố Mỹ Tho, một số thị xã, thị trấn và các khu đô thị mới, với mũi nhọn là khu Công viên Phần mềm Mekong.

Tiền Giang khắc phục 10 điểm nghẽn trong phát triển kinh tế vùng ảnh 2Các phương tiện giao thông lưu thông trên cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận (51 km), đoạn qua tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tiền Giang cũng sẽ tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, xây dựng kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những lĩnh vực cần sự công khai minh bạch.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông cho biết 7 tháng năm 2023, tỉnh đã giải ngân được 2.926 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 55,3% kế hoạch, tăng 42,6% so cùng kỳ.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai vốn bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023 thêm 816 tỷ đồng, nâng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 trên 6.111 tỷ đồng.

Để giải ngân nhanh vốn đầu tư công hiệu quả, ngay từ đầu năm Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã nâng cao trách nhiệm trong quản lý đầu tư xây dựng công trình cũng như đẩy mạnh huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển.

[Tỉnh Tiền Giang thu ngân sách vượt gần 21% dự toán cả năm]

Tiền Giang đã khắc phục được tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội. Tỉnh còn tăng cường kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, bảo đảm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.

Dựa trên tình hình thực tế phát sinh, Ủy ban Nhân dân tỉnh điều chuyển vốn giữa các công trình có giá trị khối lượng thực hiện và giải ngân thấp sang các công trình có giá trị khối lượng thực hiện cao trong từng nguồn vốn đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua.

Tỉnh cũng chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng, thực hiện ứng vốn Quỹ Phát triển Đất năm 2023 để chi trả ngay cho các hộ dân cũng như khẩn trương hoàn tất hồ sơ chuẩn bị đầu tư, kiểm soát chặt chẽ thời gian thực hiện các gói thầu thi công, thiết bị để nhanh chóng đưa dự án vào khai thác, sử dụng.

Tiền Giang khắc phục 10 điểm nghẽn trong phát triển kinh tế vùng ảnh 3Thi công Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nối tỉnh Tiền Giang với Vĩnh Long. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch thực hiện và giải ngân cho các dự án, cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án theo kế hoạch đề ra, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ từng dự án; có giải pháp cụ thể, kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, nhất là dự án quan trọng, mang tính chất liên kết vùng, dự án có số hộ bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng lớn.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Thông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn tất hồ sơ, thủ tục đầu tư ngay từ đầu năm bao gồm các khâu lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình nhằm sớm triển khai thi công; khẩn trương giải phóng mặt bằng bàn giao đất sạch cho nhà thầu thi công gắn với tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công kịp thời nhằm phát huy nguồn lực quan trọng để tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội; nhất là đối với các dự án thuộc các Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19.

Bảy tháng năm 2023, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đã đạt được những con số khả quan.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,05% so cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,91%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí tăng 5,23%.

Tổng số dự án tại các khu công nghiệp là 110 dự án với tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD và 4.865,9 tỷ đồng, diện tích đất thuê chiếm 68%.

Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp là 79 dự án với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD và 2.306 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 73,6%.

Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thực hiện 47.307 tỷ đồng, đạt 57,7% kế hoạch, tăng 13,7%.

Xuất khẩu trên 2,7 tỷ USD, đạt 70,9% kế hoạch, tăng 12,5%. Nhập khẩu trên 1,4 tỷ USD, đạt 62,8% kế hoạch, tăng 4,9%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,01%. Ngành du lịch Tiền Giang đã thu hút được 672.000 lượt khách, đạt 53,8% kế hoạch, tăng 77,5%. Vận tải thực hiện 1.410 tỷ đồng, tăng 16,1% so cùng kỳ.

Tiền Giang khắc phục 10 điểm nghẽn trong phát triển kinh tế vùng ảnh 4Khu công nghiệp Long Giang có vị trí thuận lợi, nằm sát đường cao tốc Trung Lương-Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Lâm Nguyên/TTXVN)

Tính đến cuối tháng 7/2023, tỉnh có 480 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 3.506 tỷ đồng, đạt 57,8% kế hoạch. Hiện tỉnh có 5.900 doanh nghiệp và 71.300 hộ kinh doanh đang hoạt động.

Trong giai đoạn 2021-2030, Tiền Giang đặt mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp có cơ cấu kinh tế công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp, là một trong những cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giữ vai trò là cầu nối giữa Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ; nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, đặc thù; phát triển Tiền Giang trở thành một trung tâm du lịch cấp quốc gia. Kinh tế biển, kinh tế đô thị trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang đặt mục tiêu là tỉnh công nghiệp hiện đại, kinh tế nông nghiệp năng động, hiệu quả, vùng đô thị lớn tầm khu vực và quốc tế; là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế vùng với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập cao của vùng; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, gắn với hạ tầng vùng và cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục