Tiền Giang phát triển, mở rộng vườn cây ăn quả đặc sản ven biển

Người dân huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang chuyển đổi sản xuất theo hướng giảm diện tích đất trồng lúa đồng thời đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cây ăn quả đặc sản.
Tiền Giang phát triển, mở rộng vườn cây ăn quả đặc sản ven biển ảnh 1Chăm sóc thanh long tại Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Văn Quí, địa phương đang tích cực khuyến khích nông dân các xã ven biển Gò Công chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai theo hướng phát huy tiềm năng đất đai, lao động; mở rộng diện tích cây trồng đặc sản chủ lực có giá trị kinh tế cao, phù hợp thổ nhưỡng đất đai nơi đây như sơri, thanh long, cây có múi...

Ông Nguyễn Văn Quí cho biết hiện nay, diện tích cây ăn quả tại các xã trên địa bàn đã lên đến gần 900ha, tăng hơn gần 100ha so với cùng kỳ năm trước. Địa phương phấn đấu đến cuối năm diện tích cây ăn quả đạt gần 1.000ha.

Nhờ thời tiết thuận lợi, năm nay, Gò Công Đông được mùa cây ăn quả. Từ đầu năm đến nay, huyện đạt sản lượng trên 9.500 tấn trái cây các loại, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Huyện phấn đấu cả năm sẽ đạt sản lượng trái cây các loại trên 23.000 tấn quả.

Gò Công Đông là huyện ven biển của tỉnh Tiền Giang, hằng năm thường xuyên bị thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn gây hại đến sản xuất và đời sống. Do vậy, người dân chuyển đổi sản xuất theo hướng giảm diện tích đất trồng lúa, thôi không sản xuất vụ lúa thứ ba trong năm, đồng thời đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cây ăn quả đặc sản ở những nơi có điều kiện được địa phương hết sức chú ý.

Đối với cây sơri - đặc sản vùng Gò Công, Gò Công Đông mở rộng diện tích lên trên 250ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang; hình thành vùng sản xuất sơri tập trung tại xã Tân Đông, Tây Tây, Bình Nghị, Bình Ân, Kiểng Phước… Trái sơri của huyện đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể.

Địa phương còn tổ chức được 2 hợp tác xã sản xuất và chế biến sản phẩm từ sơri - Hợp tác xã sơri Bình Ân và Hợp tác xã sơri Gò Công - đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sơri cho nông dân.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có công ty chuyên thu mua và chế biến sản phẩm từ trái sơri cũng góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho trái sơri cho nông dân.

Trong giai đoạn 2016-2020, nông dân địa phương còn đưa thêm cây thanh long vào cơ cấu cây ăn quả đặc sản.

Đến nay, diện tích thanh long mở rộng lên trên 200ha, tập trung nhiều tại các xã nằm ven biển Đông như Kiểng Phước, Tân Điền, Tân Tây..., trong đó diện tích đang ở thời kỳ thu hoạch khoảng 132ha.

Gò Công Đông cũng thành lập Hợp tác xã Thanh long Kiểng Phước, áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP trên qui mô diện tích 10,25ha.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang còn hỗ trợ thực hiện mô hình trình diễn sản xuất vườn thanh long kiểu mẫu, diện tích 3.000m2.

Thực hiện Đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025," Ủy ban Nhân dân huyện Gò Công Đông đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khảo sát, xây dựng dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long tại xã Kiểng Phước với kinh phí ước khoảng 70 tỷ đồng.

Để giúp nông dân chuyển đổi cây trồng thành công, mở rộng diện tích cây ăn quả thích ứng biến đổi khí hậu, địa phương định hướng bà con giống cây trồng và vùng trồng. Đặc biệt, phát triển cây ăn quả đặc sản trên các vùng đất giồng cát, ven kênh mương ngọt hóa gắn với địa bàn dân cư, những khu vực trồng lúa khó khăn, thường xuyên thiếu nước bơm tưới...

[Chăm sóc thanh long tại Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)]

Nông dân Đặng Anh Phương, cư ngụ tại xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông hưởng ứng chủ trương nhà nước đã chuyển đổi 5.000m2 đất trồng lúa sang lập vườn trồng chanh tứ quý cho biết, với diện tích trên, ông trồng được 1.200 gốc chanh tứ quý. Giống chanh mới này thích hợp thổ nhưỡng Phước Trung, dễ trồng, năng suất cao, phát triển nhanh và sau một năm đã cho thu hoạch.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, ông thu hoạch từ 100-150kg chanh cung ứng thị trường, thu từ 1-1,5 triệu đồng. Tính bình quân cả năm, ông thu từ 300 triệu đến 360 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi vài trăm triệu đồng.

Sau 5 năm chuyển đổi từ cây lúa sang trồng chanh tứ quý, gia đình ông không chỉ vượt khó thoát nghèo mà trở thành triệu phú nông thôn miền đất mặn.

Theo gương ông, nông dân Phước Trung đã chuyển đổi khoảng 30.000m2 đất trồng lúa sang lập vườn trồng chanh tứ quý.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Quí cho biết hiện nay, thời điểm đang vào mùa mưa, thời tiết thuận lợi nên bà con đang tích cực lên líp, làm đất để trồng cây ăn quả theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ của địa phương.

Ngành nông nghiệp huyện Gò Công Đông tiếp tục định hướng nông dân về cơ cấu, chủng loại cây trồng phù hợp, chuyển giao kỹ thuật thâm canh, xây dựng và nhân rộng các mô hình thâm canh hiệu quả củng cố và nâng chất các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ trái cây đặc sản làm cầu nối liên kết sản xuất, giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa, nông dân hưởng lợi.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục