Tiền Giang: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý 1 tăng 7,2%

Tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu năm 2023 đạt tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 82.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2022.
Tiền Giang: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý 1 tăng 7,2% ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, nhờ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, chú trọng phát huy thị trường trong nước phục vụ nhân dân trong ngoài tỉnh, trong quý 1/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại địa phương đạt trên 20.600 tỷ đồng, tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước và đạt 25,1% kế hoạch cả năm.

Tỉnh phấn đấu năm 2023 đạt tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 82.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2022.

Trong quý 1 năm 2023, tại Tiền Giang, các ngành thương mại-dịch vụ đều có mức tăng trưởng khá; trong đó, ngành thương nghiệp đạt tăng tưởng 4,5% so cùng kỳ năm trước, ngành nhà hàng và khách sạn đạt mức tăng 19,5% so cùng kỳ năm trước, ngành du lịch đạt tăng 7,1% so cùng kỳ và ngành dịch vụ khác tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022.

Đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, các hoạt động thương mại-dịch vụ, mua bán của người dân khởi sắc ngay từ đầu năm, khi địa phương khôi phục và đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19 vừa qua.

[Tỉnh Tiền Giang thu ngân sách vượt gần 21% dự toán cả năm]

Đồng thời, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cũng triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm tích cực phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng và phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân thành thị cũng như nông thôn.

Trong số đó, Tiền Giang quan tâm kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng thương mại như đầu tư mở mang mạng lưới chợ nông thôn, triển khai kế hoạch đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn hàng hóa phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và kích cầu tiêu dùng.

Ngay từ đầu năm 2023, Tiền Giang đã hoàn thành đưa vào sử dụng chợ Tân Thanh (Cái Bè) có tổng mức đầu tư 4,97 tỷ đồng và chợ Phường 4 (thị xã Gò Công) có tổng mức đầu tư gần 3,3 tỷ đồng.

Hiện nay, tỉnh tiếp tục thi công chợ Bắc Đông (Tân Phước) và chợ Điền Mỹ (Chợ Gạo), dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân trong năm 2023.

Đáng lưu ý, nhân Ngày quyền lợi ngưởi tiêu dùng Việt Nam 15/3, Sở Công Thương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như thực hiện và phát sóng phóng sự tài liệu tuyên truyền về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam; tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn Tiền Giang cam kết doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, kinh doanh, dịch vụ đảm bảo an toàn, chất lượng vì người tiêu dùng năm 2023.

Đồng thời, để phát huy thành tựu Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tích cực đưa các sản phầm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh đến với thị trường, kích cầu tiêu dùng và phục vụ nhân dân, Sở Công Thương phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức thêm những điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cùng những sản phẩm đặc trưng tỉnh Tiền Giang tại các siêu thị và Trung tâm thương mại trong tỉnh như siêu thị Co.op mart, siêu thị GO! Mỹ Tho, Trung tâm thương mại Vincom Mỹ Tho.

Đặc biệt, địa phương cũng tổ chức đoàn khảo sát thị trường, tìm hiểu và đánh giá tình hình tiêu thụ, cung ứng sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng tỉnh Tiền Giang tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm mở rộng thị trường trong nước.

Mặt khác, tỉnh triển khai kế hoạch kết nối giao thương, giới thiệu nông sản, hàng hóa với các địa phương khu vực miền Bắc, miền Trung, nhất là các địa phương có quan hệ thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản chủ lực với tỉnh những năm qua như thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng.

Để đẩy mạnh hơn nữa mức tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 theo hướng bền vững, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang dự kiến trong những tháng tới sẽ tổ chức 3 Phiên chợ hàng Việt về nông thôn và mở thêm 4 Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục