Để chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang đã làm việc với các doanh nghiệp, ngân hàng về việc cho vay vốn và xây dựng kế hoạch dự trữ cung ứng hàng hóa phục vụ cho thị trường Tết năm 2023.
Ông Đặng Văn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết theo kế hoạch, năm nay có 8 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 theo chương trình bình ổn.
Tổng giá trị hàng hóa tham gia dự trữ năm nay trên 450 tỷ đồng, tăng 13% so với Tết năm 2022; trong đó, hàng hóa thiết yếu là 120 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, bao gồm hơn 900 tấn gạo các loại, hơn 506 tấn đường, 698 tấn bột ngọt, hạt nêm.
[Cần Thơ: Dự trữ hàng hóa Tết Quý Mão đạt gần 2.240 tỷ đồng]
Theo đánh giá của Sở Công Thương và các doanh nghiệp, dự kiến sức mua mùa Tết năm nay sẽ tăng khoảng 30% so Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 do kinh tế đã được phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Sở Công Thương đã làm việc với các Ngân hàng để hỗ trợ gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp dự trữ cung ứng hàng hóa theo chương trình bình ổn giá. Các đơn vị tham gia dự trữ hàng hóa được xem xét vay vốn từ ngân hàng thương mại có tính đến ưu đãi về lãi suất vay trong thời gian 4 tháng kể từ ngày giải ngân (giảm từ 1,5 - 2,5%/năm so với lãi suất thông thường)…
Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang và ngành chức năng liên quan để theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng nói chung và mặt hàng thiết yếu khác cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Từ đó, Sở Công Thương chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng, nhất là nông sản, thực phẩm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu việc dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cần chú trọng phục vụ người tiêu dùng, đối tượng chính sách, hộ nghèo, nhân dân ở khu vực nông thôn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã, siêu thị, cơ sở kinh doanh tham gia bình ổn thị trường phải đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, chất lượng an toàn với giá cả hợp lý, đặc biệt trong những thời điểm thiếu hàng và giá tăng cao./.