Tiến trình thành lập chính phủ tại Thụy Điển vẫn đang bế tắc

Trong cuộc bỏ phiếu, 195 nghị sỹ trong Quốc hội 349 ghế đã phản đối bầu ông Kristersson làm Thủ tướng, trong khi chỉ có 154 phiếu ủng hộ đề cử này.
Tiến trình thành lập chính phủ tại Thụy Điển vẫn đang bế tắc ảnh 1Ông Ulf Kristersson. (Nguồn: Reuters)

Ngày 14/11, Quốc hội Thụy Điển đã từ chối phê chuẩn lãnh đạo đảng Ôn hòa Ulf Kristersson giữ chức Thủ tướng. Quyết định này tiếp tục đẩy tiến trình thành lập chính phủ tại quốc gia vùng Scandinavia này vào tình trạng bế tắc kể từ cuộc bầu cử hồi tháng 9 vừa qua.

Trong cuộc bỏ phiếu, 195 nghị sỹ trong Quốc hội 349 ghế đã phản đối bầu ông Kristersson làm Thủ tướng, trong khi chỉ có 154 phiếu ủng hộ đề cử này.

Phát biểu tại Quốc hội trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, lãnh đạo đảng Trung tâm (một thành viên của khối Liên minh), bà Annie Loof đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Andreas Norlen đã đề cử ông Kristersson giữ chức Thủ tướng với hy vọng khai thông thế bế tắc chính trị trong bối cảnh có nhiều tín hiệu cho thấy các đảng không sẵn sàng thỏa hiệp sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng trước, vốn đẩy quốc gia vùng Scandinavia này vào thế bế tắc chính trị do không đảng nào giành đa số quá bán để tự thành lập chính phủ.

[Thụy Điển chưa thể thành lập chính phủ sau tổng tuyển cử]

Dự kiến Quốc hội sẽ tiến hành thêm 3 cuộc bỏ phiếu khác nhằm lựa chọn một thủ tướng mới. Nếu cả 4 cuộc bỏ phiếu đều thất bại, Thụy Điển có thể phải tiến hành bầu cử sớm.

Sau cuộc tổng tuyển cử ngày 9/9 vừa qua, liên minh trung tả cầm quyền nhiệm kỳ vừa qua của Thủ tướng Stefan Lofven - gồm đảng Dân chủ Xã hội, đảng Xanh và đảng Cánh tả - giành được 144 ghế Quốc hội, chỉ nhỉnh hơn 1 ghế so với Liên minh trung hữu đối lập (gồm đảng Ôn hòa, đảng Trung tâm, đảng Dân chủ cơ đốc giáo và đảng Tự do), và như vậy không giành đủ quá bán trong tổng số 349 ghế nghị sỹ Quốc hội để có thể đứng ra thành lập chính phủ.

Tuy nhiên, cả hai lực lượng chính trị này đều nỗ lực để tìm kiếm đa số sau khi từ chối thỏa thuận với đảng Dân chủ Thụy Điển chống người nhập cư, vốn kiểm soát 62 ghế Quốc hội. 

Trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội Thụy Điển ngày 25/9 vừa qua, Thủ tướng Lofven đã không thể vượt qua, đồng nghĩa ông phải từ chức. Quốc hội Thụy Điển sau đó đã lựa chọn lãnh đạo đảng Ôn hòa lớn nhất trong Liên minh trung hữu đứng ra thành lập một chính phủ mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục