Tiếp nhận dụng cụ bắt voi của người Mnông

Tiếp nhận bộ dụng cụ bắt voi của người dân tộc Mnông

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tiếp nhận bộ vật dụng bắt voi của Ama Kông, do gia đình ông Khăm Phết Lào trao tặng.

Chiều 14/3, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tiếp nhận bộ vật dụng bắt voi của Ama Kông, do gia đình ông Khăm Phết Lào ở buôn Ko Tam, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, trao tặng.

Giám đốc Bảo tàng Võ Quang Trọng cho biết đây là lần đầu tiên Bảo tàng nhận được bộ sưu tập hiện vật mà chủ nhân hiến tặng là người dân tộc thiểu số. Bảo tàng sẽ bảo quản, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các tư liệu liên quan để tổ chức trưng bày, giới thiệu rộng rãi tới công chúng.

Bộ sưu tập hiện vật này như những nhân chứng phản ánh một cách sinh động về vị trí, vai trò của con voi trong đời sống văn hóa của người Mnông và các cộng đồng người khác ở khu vực Buôn Đôn, Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Bộ sưu tập gồm hơn 20 hiện vật, bao gồm các dụng cụ để bắt và thuần dưỡng voi, thực hành các nghi lễ trước, trong và sau khi bắt được voi, các dụng cụ phục vụ đời sống sinh hoạt của nhóm người trong thời gian đi bắt voi.

Hiện vật được làm chủ yếu từ nguyên liệu tự nhiên như tre, mây, sáp ong, sừng, đặc biệt là da trâu. Bộ dụng cụ này có tuổi đời từ thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20, gắn liền với cuộc đời của Khun Ju Nốp (1828-1938) và Ama Kông (1910-2012).

Khun Ju Nốp, người Pơ Nong, dân tộc Hmông đã chế tác công cụ để bắt và thuần dưỡng voi rừng. Sau khi ông qua đời, nghề này được con cháu kế thừa, trong đó nổi bật là Ama Kông. Ama Kông đã bắt và thuần dưỡng được 298 con voi.

Khi Vườn quốc gia Yok Đôn được thành lập năm 1992, việc săn bắt voi bị cấm. Các vật dụng này hầu như không được sử dụng, chúng được bài trí để giới thiệu với du khách trong ngôi nhà cổ của gia đình tại bản Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Gia đình ông Khăm Phết Lào, con trai của Ama Kông đã tặng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục