Tiếp tục áp dụng biện pháp mạnh về kinh tế-xã hội

Việt Nam sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh về kinh tế-xã hội trong 2010, trong đó có nội dung hòa nhập xã hội.
Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó Đại diện Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định Chính phủ Việt Nam quyết định tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh về kinh tế-xã hội trong năm 2010, trong đó hòa nhập xã hội là một nội dung quan trọng.

Phát biểu tại khóa họp lần thứ 48 của Ủy ban Phát triển Xã hội, thuộc Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc, khai mạc ngày 3/2 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại sứ Bùi Thế Giang, đã trình bày những chính sách và biện pháp mà Chính phủ Việt Nam khẩn trương triển khai trong năm 2009 trong lĩnh vực kinh tế và xã hội nhằm giảm thiểu tác động của khủng hoảng.

Nhờ đó Việt Nam đã duy trì được tỷ lệ lạm phát dưới hai con số, chỉ số tiêu dùng ở mức 6,88%, tỷ lệ nghèo giảm còn 12,3% và tạo thêm việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động.

Ngoài ra, Đại sứ cũng nêu rõ Chính phủ Việt Nam đã tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho người lao động trong mọi khu vực của nền kinh tế, cải thiện các chương trình bảo hiểm y tế và nhà ở miễn phí cho người nghèo, hướng tới những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, nhất là người cao tuổi, người tàn tật và người dân nông thôn, miền núi.

Nông nghiệp, nông thôn và nông dân sẽ được hỗ trợ nhiều hơn về chuyển giao công nghệ, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ cơ sở hạ tầng; các chương trình xóa đói giảm nghèo sẽ được đẩy nhanh một cách bền vững và đánh giá kỹ lưỡng để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới.

Bên cạnh đó, chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống phúc lợi xã hội, đặc biệt trong ngành y tế và giáo dục, thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của phụ nữ vào mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, trước hết là trên thị trường lao động, đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm giảm tác động của thiên tai và xây dựng một nền kinh tế xanh hơn.

Đại sứ Bùi Thế Giang đã giới thiệu sáng kiến thành lập Quỹ Đông Á về biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới họp tại Davos (Thuỵ Sỹ) trong tuần qua và kêu gọi sự hưởng ứng của các nước Đông Á và các đối tác.

Đại sứ nhấn mạnh để làm tốt các biện pháp trên, bên cạnh nỗ lực cao nhất của mình, Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ và hợp tác của các cơ quan Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế, đồng thời sẵn sàng chung sức cùng cộng đồng quốc tế hướng tới thực hiện thành công cam kết của các chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới năm 1995.

Đại sứ Bùi Thế Giang cũng nêu rõ khóa họp lần này diễn ra trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới tuy nhanh hơn so với dự kiến, song không đồng đều và mong manh; rủi ro tài chính, mất cân bằng kinh tế vĩ mô và giá hàng hóa tăng cao ở nhiều quốc gia đã làm giảm tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo đầu người; thất nghiệp nghiêm trọng; thiếu nguồn tài trợ cho phúc lợi xã hội; mục tiêu về “một xã hội cho tất cả mọi người” nêu ra tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới năm 1995 còn khó đạt; các xã hội còn chưa ổn định, công bằng và bình đẳng.

Sau khi đánh giá cao những sáng kiến quốc tế năm 2008 nhằm ứng phó với khủng hoảng và lưu ý tính chất đan xen của các sáng kiến đó, Đại sứ bày tỏ mong muốn hệ thống Liên hợp quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn và năng động hơn trong việc điều phối nỗ lực của các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế nhằm thực hiện hiệu quả những sáng kiến này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục