Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật tôn giáo

Các thành viên Hội đồng Tư vấn về tôn giáo đã đưa ra những ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo.
Tôn giáo phục vụ lợi ích dân sinh, tạo điều kiện phát huy mặt tích cực của tôn giáo để phát huy giá trị đạo đức, giá trị nhân bản, nhân sinh, giúp tôn giáo hòa nhập với thế tục để thế tục tốt... là những ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo.

Những ý kiến này được các thành viên Hội đồng Tư vấn về tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2011, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2012 của Hội đồng, tổ chức ngày 23/3 tại Hà Nội.

Những đánh giá về thành tựu của hệ thống pháp luật liên quan đến tôn giáo ở Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước, mở cửa, hội nhập quốc tế; công tác quản lý tôn giáo nhìn từ góc độ thực hiện pháp luật tôn giáo; tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức, chức sắc và tín đồ các tôn giáo về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo đã được các đại biểu đưa ra tại hội nghị.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh đồng bào các tôn giáo là bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Hội đồng Tư vấn về tôn giáo phải thể hiện rõ vai trò tham gia làm thể chế chính sách tôn giáo...

Nhìn nhận về công tác quản lý tôn giáo thời gian qua, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm để tôn giáo phát triển. Từ khi Pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo ra đời, các tôn giáo hoạt động rất tích cực. Tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, hoạt động của các tôn giáo được đảm bảo một cách tự do trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Các cơ sở của tôn giáo được đảm bảo và được trùng tu xây dựng theo nét văn hóa của từng tôn giáo.

Các trường đào tạo tu sỹ, trường giảng dạy giáo lý cho các tín đồ tôn giáo được đảm bảo tốt. Hoạt động của các tôn giáo được bình đẳng và được tham gia mọi công tác, như đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, các hội đoàn, đoàn thể, để có tiếng nói của các tôn giáo với các cơ quan dân cử, cũng như khối đại đoàn kết toàn dân.

Song, các chức sắc tôn giáo, đại diện các cơ quan quản lý cũng còn không ít băn khoăn về chính sách và công tác quản lý tôn giáo, với những đề xuất sửa đổi, bổ sung để tiếp tục hoàn thiện luật pháp về tôn giáo; đề nghị sửa đổi Pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo hoặc nâng lên thành Luật tín ngưỡng tôn giáo; tổ chức các cuộc giao lưu chức sắc tôn giáo tiêu biểu để các tôn giáo hiểu nhau hơn...

Nhiều ý kiến đã đóng góp cho hoạt động của Hội đồng Tư vấn về tôn giáo trong năm 2012, trong đó tập trung nghiên cứu, tư vấn giúp lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò của tổ chức tôn giáo trong nước với việc đoàn kết, tập hợp đồng bào Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài; mở rộng đối ngoại nhân dân.

Các đại biểu cũng đề xuất chính sách về vấn đề truyền đạo của các tôn giáo trong điều kiện toàn cầu hóa, phát huy vai trò những người tiêu biểu, có uy tín của các tôn giáo trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và làm nòng cốt tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động...

Năm 2011, Hội đồng Tư vấn về tôn giáo đã tư vấn cho lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung, phát triển nội dung về tôn giáo và công tác tôn giáo trong Cương lĩnh năm 1991 của Đảng, nội dung tôn giáo trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; tư vấn về việc hiệp thương, giới thiệu, lựa chọn các chức sắc tôn giáo tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. 9 chức sắc, tín đồ của 5 tôn giáo đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục