Tiết lộ việc “khâm liệm” nhà vua Lê Dụ Tông

Việc khâm liệm thi hài nhà vua Lê Dụ Tông được tiến hành dưới ánh sáng mờ mờ từ bên ngoài hắt vào bởi đèn, điện phải tắt hết.
"Khi tiến hành khâm liệm cho cụ, đèn, điện phải tắt hết, chúng tôi đã làm việc trong ánh sáng mờ mờ từ bên ngoài hắt vào", phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, người được giao trọng trách khâm liệm thi hài nhà vua Lê Dụ Tông tiết lộ.

Có thể nói trong Lễ hoàn táng được tổ chức từ 1 giờ sáng qua (25/1), khâu khâm liệm nhà vua đã được tiến hành không những đảm bảo trang trọng, đúng nghi thức mà còn phải đảm bảo khoa học, an toàn, vì ai cũng biết thi hài nhà vua sau hơn 40 năm để ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và sau gần 300 năm kể từ khi Ngài mất rất dễ bị ảnh hưởng.

"Khi chiếc quan tài kính - nơi bảo quản thi hài cụ hàng chục năm qua – được mở ra,  tôi lấy khăn phủ lên mặt cụ ngay", ông Cường cho biết, "Những người trực tiếp tiến hành khâm liệm có tôi và hai, ba bác sĩ  ở Viện 108 và anh Nguyễn Mạnh Hà ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam."

Theo ông Cường, thi hài nhà vua còn rất nguyên vẹn, nhưng đã cứng lại, cho nên không thể tiến hành “mặc” lại áo cho Ngài khi khâm liệm, mà phải dùng cách khác.

Ông Cường và các bác sĩ đã trải chăn tiểu liệm và chăn đại liệm, rồi cuốn 1 chiếc áo hoàng bào, 1 áo long bào, 2 áo lụa, 4 chiếc quần, lại đeo bít tất chân, đeo găng tay, đội mũ cho nhà vua…. Sau đó, thi hài nhà vua được bọc lại trong trong chăn tiểu liệm rồi bên ngoài lại được bọc tiếp bằng chăn đại liệm…

"Điều tôi ấn tượng là quần áo cụ do dòng họ Lê chuẩn bị được làm rất công phu, vải rất đẹp. Khi khiêng cụ lên, chúng tôi phải rất cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến thi hài cụ. Mọi việc cuối cùng đều diễn ra rất tốt đẹp, không hề có bất kỳ sự cố nào. Quá trình khâm liệm có sự chứng kiến của dòng họ Lê và một số vị lãnh đạo", ông Cường cho biết.

Sau khi khâm liệm xong, người của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đưa cho ông Cường một bọc đồ tùy táng, trong đó có những đồng tiền cổ. Đây là tiền “gửi tặng” cụ…

Về chiếc quan tài nặng 700kg, được làm bằng gỗ Hồng Tâm do dòng họ Lê tìm kiếm trong "dân gian", ông Cường nhận xét rằng chiếc quan tài này làm rất “chuẩn” (quan tài đóng chốt ở trên). Việc xây quách cho mộ vua ở Thanh Hóa cũng rất hợp lý vì đã đảm bảo được việc chôn cất “trong quan ngoài quách” như mộ hợp chất thời xưa.

“Về mặt tâm linh, khi khâm liệm cho cụ xong, đưa cụ về Thanh Hóa, tôi cảm thấy rất hỉ hả", ông Cường tâm sự tiếp, "Từ lâu tôi đã có ý kiến rằng, những xác ướp cổ của chúng ta sau khi khai quật nghiên cứu thì nên mai táng lại, chỉ giữ lại những đồ tùy táng. Lý do là vì chúng ta chưa đủ điều kiện bảo quản lâu dài (muốn bảo quản phải đưa vào môi trường chân không…). Trước đây khi được hỏi ý kiến thì tôi cũng tán thành việc đưa cụ về Thanh Hóa. Nay thì đã thành sự thật. Khu vực hoàn táng cụ, người ta sẽ xây dựng thành một khu lăng mộ rất đẹp, xứng đáng với công lao của cụ trong lịch sử. Cụ là một ông vua hiền tài, trong giai đoạn trị vì, đất nước được thanh bình."./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục