Tiêu dùng số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN

Báo cáo của YCP Solidiance cho biết số lượng người tiêu dùng số đang gia tăng nhanh chóng sẽ là động lực chính cho nền kinh tế của ASEAN, dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023.
Tiêu dùng số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN ảnh 1Nền kinh tế của ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm nay. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người tiêu dùng số dự kiến sẽ là động lực chính cho nền kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm nay.

Đó là nhận định trong một báo cáo mới đây của Công ty tư vấn YCP Solidiance.

Đông Nam Á đang trên đà trở thành thị trường lớn nhất thế giới vào năm 2030, với dòng vốn đầu tư và kinh doanh được thiết lập để mang lại lợi ích cho một số ngành, bao gồm cả nền kinh tế số - theo báo cáo của YCP Solidiance.

Báo cáo này trích dẫn một báo cáo khác có tựa đề "Đầu tư vào ASEAN 2023" cho biết với tốc độ tăng trưởng dự kiến thuộc hàng nhanh nhất thế giới, nền kinh tế số của khu vực được dự đoán sẽ vượt 300 tỷ USD vào năm 2025, và 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Nền kinh tế khu vực Đông Nam Á trong năm nay được dự báo sẽ vượt tốc độ tăng trưởng 2,7% của nền kinh tế toàn cầu - theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Năm ngoái, nền kinh tế số chiếm 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đông Nam Á - theo dữ liệu của ADB.

Nền kinh tế số Đông Nam Á tăng trưởng nhờ các tổ chức chính thức hỗ trợ sự phát triển số trong khu vực - theo báo cáo của YCP Solidiance. Bên cạnh đó, động lực cho tiêu dùng số sẽ là thế hệ Millennials và thế hệ Z vốn chiếm tới 75% người tiêu dùng trong khu vực.

Một yếu tố nữa giúp kích thích sự tăng trưởng của các nền kinh tế trực tuyến trong khu vực và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới từ các nguồn trong và ngoài khối gia nhập là sự chuyển đổi số của tài chính, cũng như sự xuất hiện của lĩnh vực công nghệ tài chính.

"Thông qua các công nghệ số và Internet, nền kinh tế số đã mang đến cho các chủ doanh nghiệp và những người kinh doanh độc lập những cách thức mới để kết nối với khách hàng, mở rộng thị trường cũng như tăng thu nhập của họ” - YCP Solidiance cho hay.

[ASEAN sẽ có ngày hội mua sắm, thúc đẩy thương mại xuyên biên giới]

Theo một nghiên cứu của HSBC, số hóa đứng đầu trong các chương trình nghị sự của doanh nghiệp, và các công ty sẵn sàng đầu tư vào công nghệ cần thiết để chuyển đổi doanh nghiệp.

Một nửa số người được hỏi cho biết họ sẽ đầu tư 5-10% lợi nhuận hoạt động để cải thiện các chiến lược số hóa, trong khi 26% đầu tư hơn 10%.

YCP Solidiance khuyến nghị những người tham gia thị trường và các nhà đầu tư tiềm năng nên xem xét vai trò của hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân, vì sự hợp tác này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế số của ASEAN.

Việt Nam không nằm ngoài xu thế

Kinh tế Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung của khu vực.

Theo báo cáo mới nhất từ Google, Temasek và Bain&Co (e-Conomy SEA 2022 - Nền kinh tế Internet Đông Nam Á năm 2022), ước tính kinh tế số năm ngoái của Việt Nam đạt 23 tỷ USD - cao thứ ba trong khu vực sau Indonesia với 77 tỷ USD và Thái Lan với 33 tỷ USD.

Báo cáo này dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh trong khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2025. Kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng được dự báo ở mức trung bình 31%/năm cho giai đoạn này.

Tiêu dùng số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN ảnh 2Ước tính kinh tế số năm ngoái của Việt Nam đạt 23 tỷ USD. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Những năm gần đây, các quốc gia trong khu vực đã có những nỗ lực hướng tới quan hệ hợp tác kinh tế số, trong đó có quan hệ hợp tác xuyên biên giới trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Cùng với đó, những nỗ lực thúc đẩy thương mại không giấy tờ cũng nổi lên, đáng chú ý nhất là Hiệp định khung Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở châu Á và Thái Bình Dương (CPTA) của Liên hợp quốc bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2021.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô, đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.

Đó cũng là thông điệp được bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh, nhấn mạnh tại Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023” hồi đầu năm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục