Tìm giải pháp chắp cánh du lịch biển đảo Nam Bộ bứt phá

Sở hữu những bãi biển đẹp, văn hóa địa phương độc đáo, các tỉnh Nam Bộ đang là lựa chọn lý tưởng của nhiều du khách. Tuy nhiên, tiềm năng nơi đây vẫn chưa được khai thác xứng tầm.
Tìm giải pháp chắp cánh du lịch biển đảo Nam Bộ bứt phá ảnh 1Một góc quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang. (Nguồn: Vietnam+)

Các chuyên gia khẳng định du lịch biển đảo là loại hình du lịch có sức hấp dẫn, thu hút khoảng 70% du khách quốc tế khi chọn điểm đến Việt Nam.

Sở hữu những bãi biển đẹp, văn hóa địa phương độc đáo, các tỉnh Nam Bộ đang là lựa chọn lý tưởng của nhiều du khách. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng loại hình du lịch biển đảo ở Nam Bộ vẫn chưa được khai thác xứng tầm.

Nhiều bãi biển đẹp

Với triền cát vàng mịn trải dài vô tận, biển xanh trong veo lấp lánh, mặt nước êm đềm hiền hòa in bóng vạt rừng nguyên xinh "đang vươn sải tay" tỏa bóng mát, bãi Đầm Trầu là điểm đến "nhất định phải tới" khi đến với Côn Đảo.

Cách trung tâm thị trấn Côn Đảo 15km theo hướng Bắc, bãi Đầm Trầu có các vách đá với đa dạng hình dáng khác nhau. Có một ghềnh đá lớn nhất vươn mình ra xa phía biển khơi, trên đó có hai tảng đá nhô lên cao tựa như hình ảnh của một đôi chim quấn quýt bên nhau.

Bức tranh mang vẻ đẹp hoang sơ, yên bình say lòng lữ khách.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Đầm Trầu chính là bãi biển đẹp nhất của Côn Đảo. Đến đây, du khách được đắm chìm trong làn nước mát lạnh, trong veo, xanh màu ngọc bích.

Chia tay với Đầm Trầu, du khách có thể tiếp tục hành trình du lịch biển đảo Nam Bộ bằng việc đến với Bãi Sao.

Nằm ở phía Nam đảo Phú Quốc, Bãi Sao được miêu tả đẹp như một bức tranh giữa một quần thể vô số những bãi biển đẹp nơi đây.

[Bàn giải pháp để phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam]

Tên gọi Bãi Sao bắt nguồn từ thuyết dân gian, xưa kia khi hoàng hôn buông xuống, những đàn sao biển sẽ kéo lên phủ kín bờ cát và dưới mặt nước để tắm Trăng, vì vậy, người dân nơi đây đặt tên cho vùng biển này là Bãi Sao.

Dài hơn 7km, Bãi Sao sở hữu vẻ đẹp bình yên và trong lành đến lạ kỳ. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những rặng dừa cao vút vươn mình ra biển khơi, những mũi đá nhô ra biển kỳ vĩ. Và chắc chắn không thể cưỡng lại được vẻ đẹp của những con sóng êm ả vỗ bờ.

Du khách có thể bị hút hồn bởi nét hoang sơ, tinh khiết và trong trẻo của vùng đất này.

Đầm Trầu và Bãi Sao chỉ là hai trong vô vàn các bãi biển đẹp ở khu vực Nam Bộ, nơi có nhiều lợi thế khi phát triển du lịch biển đảo.

Tìm giải pháp chắp cánh du lịch biển đảo Nam Bộ bứt phá ảnh 2Bãi Đầm Trầu thu hút du khách bởi làn nước mát lạnh, trong veo, xanh màu ngọc bích.(Nguồn: Vietnam+)

Nam Bộ có nhiều điểm đến nổi tiếng như thành phố biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), thành phố Hà Tiên và đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Đặc biệt, đảo Phú Quốc nằm trong top 100 điểm đến tuyệt với nhất thế giới năm 2023 theo bình chọn của Tạp chí Time.

Bên cạnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Kiên Giang, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau đều là những địa phương có biển, bước đầu đã có những sản phẩm du lịch gắn với biển như tham quan thắng cảnh, di tích, thưởng thức đặc sản ẩm thực gắn với biển khơi.

Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long còn có Khu Dự trữ Sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang và Khu Dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau đều nằm ở vùng ven biển.

Vườn Quốc gia U Minh Hạ và Vườn Quốc gia U Minh Thượng vị trí gần biển. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau ở ven biển và Vườn Quốc gia Phú Quốc ở trên đảo. Đây chính là những điểm đến du lịch dành cho những du khách yêu thích du lịch khám phá, trải nghiệm.

Nét văn hóa riêng biệt

Anh Nguyễn Đình Viễn (du khách Hà Nội) cho biết: "Đến với các vùng biển phía Nam, gia đình tôi không những có cơ hội tham quan, nghỉ dưỡng nơi vùng biển quanh năm ấm áp mà còn có cơ hội trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc gắn với làng nghề, lễ hội, đặc sản ẩm thực của người dân vùng biển."

Mỗi địa phương có biển, đảo ở Nam Bộ đều là nơi hình thành, lưu giữ nhiều nét văn hóa gắn với lịch sử, đời sống của cư dân địa phương.

Đó là các giá trị văn hóa tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật, lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa, các ngư cụ, cách thức sử dụng ngư cụ và phương pháp đánh bắt thủy sản, những làng nghề thủ công, văn hóa ẩm thực vùng biển.

Đây được xem là những tài nguyên du lịch nhân văn rất độc đáo để các địa phương xây dựng, khai thác thành các sản phẩm du lịch đậm nét văn hóa bản địa.

Ở Nam Bộ, nhiều lễ hội dân gian của cư dân vùng biển đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Tìm giải pháp chắp cánh du lịch biển đảo Nam Bộ bứt phá ảnh 3Nghi lễ cúng trên biển cầu cho mưa thuận gió hòa. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Tiêu biểu như Lễ hội Nghinh Ông tại huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh); Lễ hội Nghinh Ông Đình Thắng Tam (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu); Lễ hội cúng biển Mỹ Long (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh); Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Kiên Hải (Kiên Giang)...

Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội văn hóa tâm linh của người dân vùng biển nhằm tôn vinh, thờ cúng cá Ông - vị thần cứu tinh, linh thiêng của ngư dân trên biển cả và cầu mong mưa thuận, gió hòa, ngư dân may mắn thuận lợi, vượt qua mọi khắc nghiệt của thiên tai để thành công trong những chuyến ra khơi.

Lễ hội Nghinh Ông đã trở thành nét văn hóa dân gian đặc sắc của các thế hệ ngư dân ở các địa phương.

Bên cạnh các lễ hội, cư dân ven biển hay các đảo ở các vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long còn có nhiều làng nghề, nghề truyền thống gắn với nét văn hóa, tập quán sản xuất lâu đời.

Nhiều nghề, làng nghề trong số đó đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia như Nghề làm nước mắm Phú Quốc, Nghề làm muối ở Bạc Liêu.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, nghề làm muối tập trung ở các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), các xã Long Điền Đông, Điền Hải, Long Điền Tây (huyện Đông Hải).

Các làng nghề này phản ánh một phần lịch sử khai phá vùng đất Bạc Liêu trong tiến trình cha ông đi mở đất phương Nam, công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Hạt muối Bạc Liêu xưa thường được gọi là muối Ba Thắc (từ cổ chỉ vùng đất Nam sông Hậu).

Ngày nay, muối Bạc Liêu vẫn giữ được nét riêng là hạt muối mặn nhưng không chát đắng mà lại có vị "ngọt hậu."

Các diêm dân lý giải, hạt muối Bạc Liêu có hương vị đặc biệt như vậy là do đặc thù điều kiện tự nhiên của vùng đất, vùng biển Bạc Liêu tạo nên.

Để du lịch biển đảo Nam Bộ bứt phá

Phát huy lợi thế, xây dựng, phát triển các trung tâm du lịch biển chất lượng cao, trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế là một trong những giải pháp góp phần tạo bứt phá cho du lịch biển ở cả hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Để đạt được mục tiêu đó, trước tiên, các tỉnh ven biển cần đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng như giao thông, cấp thoát nước, cơ sở xử lý chất thải.

Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch ven biển. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn đầu tư để tôn tạo các danh lam, thắng cảnh, phát triển làng nghề, phục dựng các lễ hội.

Xây dựng các khu vui chơi giải trí hiện đại, đẩy mạnh phát triển và khai thác các loại hình sản phẩm du lịch mới như du lịch chữa bệnh, du lịch tham quan kết hợp hội thảo, mua sắm...

Tìm giải pháp chắp cánh du lịch biển đảo Nam Bộ bứt phá ảnh 4Cảnh hoàng hôn trên biển. (Nguồn: Vietnam+)

Hiện thực hóa các giải pháp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết tỉnh đang tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng phát triển du lịch của địa phương.

Đồng thời, tỉnh phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo, xây dựng Cảng tàu khách quốc tế và hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu, tuyến đường sắt đô thị, qua đó tăng cường liên kết các hoạt động du lịch nói riêng, kinh tế-xã hội nói chung với các địa phương trong vùng và khu vực.

Tỉnh đẩy mạnh phát triển các đô thị, nhất là đô thị du lịch ven biển theo mô hình đô thị xanh, bền vững, hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội, hấp dẫn du khách.

Tỉnh phát triển các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp; tập trung phát triển loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí trở thành sản phẩm mang tính đặc trưng, phát triển khu du lịch phức hợp, đẳng cấp quốc tế…

Còn theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng, thành phố hiện có hơn 30.000 phòng nghỉ phục vụ du khách, trong đó khoảng 17.000-18.000 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao trở lên, nhiều khu du lịch, khu vui chơi giải trí nổi tiếng.

Phú Quốc có cảng biển Quốc tế, cảng hàng không quốc tế, tàu cao tốc từ đất liền ra đảo và ngược lại tiện lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.

Để thu hút du khách, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch, tăng cường kiểm tra, chú trọng đảm bảo giá các dịch vụ như lưu trú, ẩm thực, vận tải, dịch vụ ca nô, du thuyền…, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách trong thời gian nghỉ dưỡng tại Phú Quốc với chi phí, giá cả hợp lý.

Thứ hai, các tỉnh cần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học đối với khách du lịch và người dân tham gia dịch vụ du lịch.

Chị Hoàng Hồng Hạnh (du khách Hà Nội) chia sẻ: "Khi đến đảo Nam Du (tỉnh Kiên Giang), tôi bị choáng ngợp bởi cảnh đẹp tự nhiên và sự thân thiện, tốt bụng của người dân địa phương. Song, tôi thấy băn khoăn bởi rác thải đang dần xâm chiếm nơi này."

Vậy, câu hỏi đặt ra cho địa phương là làm thế nào để du khách đến và rời đi mà không cần băn khoăn những điều như vậy. Và nếu không thay đổi thì liệu du khách có quay trở lại không?

Việc phát triển du lịch địa phương và nói rộng ra là du lịch quốc gia cần có sự kết hợp giữa môi trường văn hóa và môi trường tự nhiên. Nếu môi trường văn hóa giúp cho du lịch văn minh hơn thì môi trường tự nhiên sẽ là cơ sở cho sự phát triển du lịch bền vững.

Do đó, bảo vệ môi trường chính là vấn đề mang tính sống còn của du lịch.

Tìm giải pháp chắp cánh du lịch biển đảo Nam Bộ bứt phá ảnh 5Rác thải ở Nam Du. (Ảnh: Hải An/Vietnam+)

Thứ ba, các tỉnh cần tăng cường phối hợp, liên kết trong quản lý và phát triển du lịch, nhất là phát triển sản phẩm du lịch, tạo thành chuỗi sản phẩm, tuyến du lịch đặc sắc theo từng khu vực.

Ví dụ, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long có thể đẩy mạnh phát triển tour, tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế, tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan-Campuchia-Kiên Giang-Cà Mau).

Thêm vào đó, mỗi vùng, khu vực, địa phương cần có các sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm sắc thái văn hóa, điều kiện tự nhiên của địa phương và có chất lượng cao.

Chia sẻ về điều này, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay tỉnh đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế du thuyền, kinh tế đêm tạo sự khác biệt với các địa phương khác.

Thứ tư, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh mới.

Hiện nay, đoạt động du lịch đang trên đà khởi sắc. Lượng du khách cùng doanh thu từ dịch vụ lưu trú, lữ hành, ẩm thực dần được phục hồi ở nhiều địa phương.

Nhưng các địa phương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực có kinh nghiệm, chất lượng cao.

Ở bất kỳ giai đoạn nào, ngành du lịch nói chung, các địa phương, từng doanh nghiệp du lịch nói riêng phát triển thuận lợi, đúng hướng hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhân lực.

Theo nhiều chuyên gia, để giải quyết bài toán nhân lực du lịch hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp du lịch cần tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo.

Các doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng chương trình đào tạo và thực hiện đào tạo. Làm được điều này, thị trường sẽ được cung cấp nguồn nhân lực sử dụng được ngay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục