Ngày 16/5, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, tiến sĩ Phan Thanh Hải cho biết ngay sau sự cố sạt mái công trình di tích Phu Văn Lâu, thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế (vào ngày 15/5), trung tâm đã cho khoanh vùng bảo vệ toàn bộ khu vực này để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách; đồng thời kịp thời đánh giá thiệt hại của công trình, tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Theo kết luận bước đầu của hội đồng chuyên gia và ý kiến lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư thì nguyên nhân gây nên sự cố là do công trình đã có tuổi thọ lâu đời (xây dựng năm 1819, trùng tu lần cuối năm 1993-1995).
Trước đó, công trình trải qua một số lần sữa chữa, trùng tu nhưng không triệt để, cụ thể là trước năm 1975 (trong khoảng 1957-1960) đã thay bộ khung chịu lực bằng bê tông, cốt sắt nhưng vẫn sử dụng một số cột gỗ (8 cột gỗ tại tầng 1 và 8 cột bê tông); hệ thống kèo thì cũng sử dụng cả bê tông và kèo gỗ.
Chính sự thiếu đồng bộ này đã tạo nên sự khập khiễng trong kết cấu và qua thời gian ngày càng bộc lộ nhược điểm. Lần trùng tu vào năm 1993-1995 do khó khăn về kinh phí và điều kiện nên vẫn chưa khắc phục điều này mà vẫn sử dụng bộ khung cũ, chỉ thay 3 cột gỗ, tái sử dụng một số cột, kèo khác.
Ngày 15/5 vừa qua, sự cố xảy ra là do đầu 1 thanh xà gỗ gắn vào cột bê tông ở góc đông bắc bị đứt rời phần đầu mộng gắn gá vào đầu cột bê tông kéo theo sự sụp đổ của một phần góc mái và chiếc cột gỗ cũng đã hết tính năng chịu lực bên cạnh.
Để tránh hư lại thêm, ngày 16/5, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã cho gia cố, chống đỡ toàn bộ hệ khung để tăng khả năng chịu lực, đảm bảo an toàn cho công trình. Đồng thời với các việc trên, Trung tâm đã rà soát lại hồ sơ các lần tu sửa trước đây, có báo cáo nhanh gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để có hướng xử lý kịp thời; bảo an toàn và mỹ quan cho công trình.
Phu Văn Lâu nằm trước mặt Kinh thành và ở ngay trên trục chính của quần thể kiến trúc cố đô Huế gồm Điện Thái Hòa-Ngọ Môn-Kỳ Đài-Phu Văn Lâu-Nghinh Lương Đình-sông Hương-Ngự Bình. Từ Kỳ đài nhìn ra sông Hương có hai công trình kiến trúc tô điểm cho bộ mặt của kinh thành Huế là Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình.
Phu Văn Lâu trước kia là lầu trưng bày văn thư của triều đình./.