Tìm hiểu sự khác biệt giữa lẩu Sukiyaki và Shabu-Shabu của Nhật Bản

Mặc dù là hai món giống nhau nhất trong "đại gia đình" lẩu rộng lớn của Nhật Bản, Sukiyaki và Shabu-Shabu vẫn đem lại những trải nghiệm khác biệt.
(Nguồn: Printerest)

Ngồi trong một nhà hàng Nhật Bản cổ kính, giữa những tiếng thì thầm nhẹ nhàng, tiếng lách cách của thìa dĩa, có lúc nào bạn cảm thấy mình đang phải giải đáp một câu hỏi hóc búa về ẩm thực Nhật Bản.

Đó là khi người phục vụ đưa cho bạn một thực đơn với một loạt các loại lẩu có tên gọi thú vị. Vậy thì bạn sẽ chọn gì? Sukiyaki hay Shabu-Shabu?

Đây là hai món ăn điển hình của Nhật Bản, thường được gọi trong các buổi tiệc đông người vui vẻ và thân mật.

Cả hai đều giống nhau, bao gồm một nồi nước dùng đang sôi sùng sục và những đĩa thức ăn ngon lành và chất lượng như bò wagyu và bò Kobe.

Mặc dù giống nhau nhất trong "đại gia đình" lẩu rộng lớn của Nhật Bản, Sukiyaki và Shabu-Shabu vẫn đem lại những trải nghiệm khác biệt.

Tuy nhiên, đây cũng là hai món ăn dễ bị nhầm lẫn với nhau nhất, do có cùng một nền tảng chung về cách thưởng thức. Nhưng khi ăn, ta sẽ cảm nhận được rõ rệt sự khác biệt về hương vị, về nước sốt cũng như về phương pháp nấu.

[Quảng bá văn hóa ẩm thực Nhật Bản qua lễ hội làm Maki Sushi khổng lồ]

Nước lẩu Sukiyaki ngọt và mặn với một quả trứng sống thường được dùng làm nước sốt. Sự pha trộn giữa vị ngọt và vị mặn này chính là sự khác biệt điển hình của nước dùng Sukiyaki.

Một loại nước sốt ngọt, warishita, làm từ đường, rượu miri, rượu sake và nước tương, sẽ được thêm và nước dùng. Warishita sẽ tạo nên vị đặc trưng cho nước dùng Sukiyaki.

Những lát thịt bò hảo hạng wagyu, với lớp vân trắng đẹp như đá cẩm thạch, được nướng chín trên vỉ hoặc chảo rán, sau đó nhúng vào nước dùng đậm đà hương vị.

Ăn kèm với thịt bò là các loại rau như bắp cải và cà rốt, đậu phụ tươi và nấm, tất cả đều góp phần tạo nên kết cấu độc đáo cho món ăn này.

Sukiyaki được làm chín sẵn, phục vụ đến khách hàng khi còn rất nóng. Thực khách sẽ chấm các nguyên liệu đã được nấu chín kia vào quả trứng sống dùng làm nước sốt.

Trứng sẽ làm nguội thịt bò đang nóng, đồng thời phủ lên thịt bò thành một lớp mịn như kem. Vị êm dịu của trứng sẽ làm dịu đi vị ngọt và mặn của nước dùng.

Đặc biệt, lẩu Sukiyaki có hai trường phái chính, Kanto và Kansai, mà cách thức ăn ở trên chính là sự kết hợp giữa hai phong cách đó.

Ở các vùng khác nhau, người ta có thể sử dụng các thành phần nguyên liệu khác nhau, như thay thịt bò bằng thịt lợn.

Ngoài ra, trong truyền thống lâu đời của Nhật Bản, Sukiyaki thường được dùng trong những dịp đặc biệt, từ họp mặt gia đình, kỷ niệm những sự kiện quan trọng cho đến các bữa tiệc cuối năm.

Trong khi đó, nước dùng Shabu-Shabu được cho là tinh tế hơn, và thức ăn được nhúng vào nồi lẩu ngay tại bàn.

Không giống như Sukiyaki, Shabu-Shabu chỉ là một bữa ăn bình thường và không nhất thiết phải tổ chức nhân một sự kiện hoặc lễ kỷ niệm.

Và trong khi Sukiyaki được cho là ra đời vào những năm 1800 trong thời kỳ Edo, thì Shabu-Shabu, xét về khía cạnh nào đó, là một món ăn hiện đại hơn, khi xuất hiện lần đầu tại một nhà hàng ở Osaka và giữa thế kỷ 20.

Với Shabu-Shabu, nước dùng có thể có các vị khác nhau và thường nhạt hơn so với Sukiyaki, có thể chỉ đơn giản là nước lẩu gà, lẩu rau.

Nước dùng được đun sôi trong nồi lẩu, và các nguyên liệu như thịt bò sống, rau, đậu phụ, mỳ udon và nấm được bày xung quanh nồi và bạn sẽ làm chín chúng ngay trên bàn ăn.

Thịt và các nguyên liệu khác được nhúng vào nước lẩu nóng trong giây lát (mô tả bằng âm thanh "shabu shabu" trong tiếng Nhật) cho đến khi thức ăn vừa chín tới. Và thay vì trứng sống, nước chấm kèm thường là nước tương và sốt trái cây ponzu.

Ngoài ra, Nhật Bản còn có 2 loại lẩu khác cũng rất nổi tiếng, đó là Chankonabe, Oden'

Chankonabe thường được gọi là lẩu Sumo, do đây là món ưa thích của các đô vật Sumo. Nước dùng được chế biến tùy ý, với nguyên liệu là rau củ, thịt và hải sản.

Oden lại hoàn toàn khác biệt, khi các nguyên liệu để sẵn trong nồi nước dùng nhạt từ xì dầu và dashi, được ninh liu riu trên bếp trong hàng giờ.

Món ăn này được ưa chuộng vào mùa đông vì tác dụng làm ấm cơ thể, với nguyên liệu chính là củ cải trắng, trứng luộc, chả cá, khoai tây, chấm với mù tạt. Nước sẽ gia giảm thêm rượu sake, xì dầu, tương mirin và dashi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục