Tỉnh Cà Mau chủ động ứng phó với đợt triều cường dâng cao

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt các bản tin dự báo, cảnh báo về triều cường, thông báo cho dân biết để chủ động ứng phó.
Tỉnh Cà Mau chủ động ứng phó với đợt triều cường dâng cao ảnh 1Năm 2021, đoạn giao đường Lê Lai-Hoàng Diệu bị ngập do ảnh hưởng đợt thủy triều dâng cao. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Ngày 21/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết trong những ngày qua, mực nước trên các sông duy trì ở mức cao, gây ngập cục bộ ở vùng trũng, thấp ven sông và trên một số tuyến đường có độ cao thấp, đặc biệt là trong nội ô thành phố Cà Mau.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, từ nay đến cuối tháng 10 này là đỉnh cao của đợt triều cường, diễn biến phức tạp hơn so với năm trước.

Theo Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, năm 2009, đỉnh triều ở mức 1,86m, đến năm 2020 đỉnh triều lịch sử ở mức 2,54m và hiện nay đỉnh triều đang ở mức 2,35m. Bình quân triều cường năm sau dâng cao hơn năm trước khoảng 3,5-4cm. Do vậy, các địa phương không được chủ quan mà phải chủ động ứng phó kịp thời.

Biện pháp ứng phó hiệu quả chính là vận hành có hiệu quả hệ thống cống để đảm bảo chống ngập ở các tiểu vùng đã được đầu tư. Người dân chủ động bố trí sản xuất, nuôi trồng thủy sản phù hợp và thực hiện biện pháp gia cố bờ bao ngăn chống tràn để bảo vệ an toàn diện tích sản xuất trên địa bàn tỉnh.

[Công bố tình huống khẩn cấp đối với sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau]

Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về triều cường, kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động ứng phó; tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo các biện pháp phòng tránh ngập gây thiệt hại tài sản, tài liệu của cơ quan, đơn vị, người dân; vận động người dân tích cực khơi thông cống, rãnh thoát nước, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường ngay sau khi triều cường rút.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thuộc Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến triều cường, các thiệt hại có thể xảy ra, thông báo đến các cấp, các ngành có liên quan biết hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh, ứng phó.

Cùng với đó, Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương vận hành hợp lý, hiệu quả hệ thống cống ngăn triều để bảo vệ vùng ngọt hóa và làm chậm tác động của triều cường; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, chỉ đạo xử lý, gia cố các vị trí sạt lở, có nguy cơ sạt lở đất, các đoạn đê, lộ thấp để phòng tránh các thiệt hại; tăng cường hướng dẫn người dân gia cố bờ bao, chống tràn, tránh thất thoát thủy sản, hoa màu, bảo vệ sản xuất.

Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các huyện, thành phố rà soát các vị trí, đoạn đường hư hỏng, có khả năng bị ngập, chủ động có giải pháp phòng ngừa, hướng dẫn, cảnh báo để người tham gia giao thông biết, tránh xảy ra tai nạn, đảm bảo giao thông đi lại cho người dân.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung triển khai công tác ứng phó triều cường; trong trường hợp xảy ra thiệt hại do triều cường, chủ động tổ chức thăm hỏi, động viên, huy động lực lượng giúp người dân khắc phục thiệt hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục