Hai tháng kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul và lập ra chính quyền mới đồng thời lực lượng Mỹ và đồng minh rút quân khỏi Afghanistan, tình hình bất ổn vẫn tiếp diễn tại đất nước Tây Nam Á này đã trở thành một trong những chủ đề trọng tâm của các chương trình nghị sự quốc tế và khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 12/10 là diễn đàn đa phương quan trọng đầu tiên tập trung thảo luận về tình hình Afghanistan, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm lối thoát cho vòng xoáy bất ổn, hướng tới mục tiêu tái lập hòa bình và ổn định cho Afghanistan.
Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Italy, nước Chủ tịch luân phiên G20 trong năm 2021, với yêu cầu cấp bách là ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo, đảm bảo quyền con người, nhất là phụ nữ và trẻ em, đồng thời ứng phó với sự gia tăng các dòng người di cư, tị nạn từ Afghanistan.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, thế giới sẽ phải chứng kiến ngày càng nhiều người Afghanistan rời bỏ quê hương khi họ không có đủ lương thực, không có việc làm và không được đảm bảo các quyền con người cơ bản.
Gần đây, những chính sách hà khắc đối với phụ nữ tiếp tục được chính quyền Taliban công khai áp dụng càng làm gia tăng hoài nghi về những cam kết của lực lượng này trong việc thực thi đường lối ôn hòa.
Trước đó, Liên hợp quốc đã cảnh báo tình hình khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan đang ngày càng trở nên tồi tệ, người dân khắp nơi thiếu lương thực và suy dinh dưỡng, do vậy cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này, đặc biệt khi mùa Đông đang đến gần.
Tại hội nghị, những vấn đề ưu tiên nêu trên đã được cụ thể hóa với những quyết định quan trọng sẽ được G20 triển khai.
Về tài chính, hội nghị ghi nhận các cam kết viện trợ cho mục đích nhân đạo trị giá hàng tỷ USD từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
EU khẳng định gói viện trợ 1,2 tỷ USD sẽ được phân bổ thông qua các tổ chức quốc tế tại thực địa để hỗ trợ trực tiếp cho người dân Afghanistan mà không chuyển qua chính quyền Taliban.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết cung cấp 1 tỷ USD viện trợ và hỗ trợ cho Afganistan trong 20 năm tới, đồng thời bày tỏ tin tưởng sự hỗ trợ quốc tế sẽ giúp cải thiện tình hình tại nước này.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Tokyo sẽ cung cấp tổng cộng 200 triệu USD trong năm 2021, bao gồm 65 triệu USD thông qua các tổ chức quốc tế.
Nhấn mạnh việc thiết lập an ninh, ổn định ở Afghanistan là vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất thành lập một nhóm công tác về Afghanistan trong khuôn khổ G20, đồng thời cảnh báo áp lực nhập cư mà Ankara phải gánh chịu cũng sẽ tác động trực tiếp đến các nước châu Âu.
Dự kiến một hội nghị quốc tế về Afghanistan cũng sẽ được Nga tổ chức vào ngày 20/10 tới. Ngoài đại diện của nước chủ nhà Nga, hội nghị này dự kiến sẽ có sự tham dự của các đại diện từ Trung Quốc, Pakistan, Iran và Ấn Độ.
[Nga sẵn sàng can dự với NATO về việc tái thiết Afghanistan]
Với sự hiện diện của những thành viên quan trọng hàng đầu trong G20, hội nghị diễn ra tại thủ đô Moskva được dư luận nhận định sẽ là nơi thể hiện một cách tiếp cận khác so với các nước phương Tây về vấn đề Afghanistan.
Loạt các hội nghị quốc tế về Afghanistan diễn ra khi đất nước này vẫn đang chìm trong bất ổn với ngổn ngang những nỗi lo về khủng hoảng nhân đạo, khủng hoảng tị nạn hay khủng hoảng an ninh.
Có thể thấy, sau cuộc xung đột kéo dài 20 năm kể từ khi Mỹ đưa quân tới Afghanistan năm 2001, hiện đất nước và người dân quốc gia Tây Nam Á đang đối mặt với hàng loạt khó khăn.
Là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, lâu nay Afghanistan phải dựa chủ yếu vào nguồn viện trợ nước ngoài, chiếm tới 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước, hàng chục nghìn người thuộc thành phần tri thức, được đào tạo và có trình độ, đã rời khỏi nước này, trong khi nhiều quốc gia và tổ chức, trong đó có Mỹ và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phong tỏa tài sản và “đóng băng” các khoản viện trợ của Afghanistan.
Nền kinh tế nước này đang bên bờ suy thoái nghiêm trọng, thậm chí là sụp đổ. Ước tính hơn 30% dân số không có tiền để mua thực phẩm dự trữ dù chỉ là cho ngày hôm sau, trong khi thực phẩm cung cấp cho người dân có thể cạn kiệt vào cuối tháng này.
Đất nước lâm vào khủng hoảng còn khiến người lao động bị nợ lương, đồng nội tệ mất giá và các ngân hàng chỉ cho phép người dân rút tối đa 200 USD mỗi tuần.
Hệ quả của việc kết hợp các yếu tố xung đột, hạn hán và dịch COVID-19 khiến 14 triệu người, chiếm 30% dân số, có nguy cơ thiếu ăn và chết đói, 50% số trẻ dưới 5 tuổi ở Afghanistan bị suy dinh dưỡng.
Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy khoảng 600.000 người Afghanistan đã phải rời bỏ nước này đi lánh nạn sang các nước láng giềng trong năm 2021. Đáng chú ý, chỉ trong hơn 2 tháng qua, con số này đã lên tới 400.000 người.
Không những đối mặt khó khăn về kinh tế, bất ổn an ninh cũng là một thách thức mà Afghanistan đang phải đối mặt.
Kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, các tay súng của IS đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào nhóm này, cũng như các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số khác.
Mới đây nhất, ngày 8/10, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã gây ra vụ đánh bom liều chết tại một thánh đường ở tỉnh Kunduz, Đông Bắc Afghanistan, khiến gần 50 người thiệt mạng và hơn 140 người bị thương.
Thực tế này đặt ra thách thức cho cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo Afghanistan không trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh và hòa bình tại khu vực. Cùng với sự hỗ trợ của quốc tế, lộ trình tương lai của Afghanistan còn để ngỏ, phụ thuộc vào hành động thực tế của lực lượng Taliban.
Mới đây, lực lượng Taliban ở Afghanistan cũng tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với đặc phái viên Mỹ và EU ở Qatar, trong nỗ lực ngoại giao để tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế.
Tuy nhiên, tới nay cộng đồng quốc tế vẫn chưa công nhận "chính phủ lâm thời" của Taliban tại Afghanistan, nhất là khi danh sách chính phủ do Taliban thành lập bị chỉ trích không phản ánh được tính bao trùm về dân tộc và giới tính.
Bản thân Taliban khi nắm quyền cũng đối mặt với hàng loạt thách thức. Đầu tiên là phải giải quyết bất đồng nội bộ khi trong lực lượng Taliban cũng xuất hiện những phe nhóm với quan điểm đối lập nhau về vấn đề điều hành đất nước.
Đó là phe theo đường lối cứng rắn muốn thực hiện chế độ cai trị thuần túy của Luật Hồi giáo Sharia và tái thiết "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan", và những người theo phái ôn hòa, chủ trương thể hiện sự linh hoạt nhất định.
Thứ hai, làm thế nào để điều hành đất nước trong bối cảnh các nguồn lực ở Afghanistan bị thiếu hụt nghiêm trọng, kể cả nguồn nhân lực cho công tác quản trị đất nước lẫn nguồn tài chính, rồi tình trạng thiếu lương thực và thiếu nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Tiếp đó là vạch ra ranh giới rõ ràng với các tổ chức khủng bố quốc tế, một trong những yêu cầu để cộng đồng quốc tế công nhận Taliban.
Tháng Sáu năm nay, Ủy ban đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đánh giá rằng Taliban vẫn chưa cắt đứt hoàn toàn quan hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế như al-Qaeda.
Các thủ lĩnh của al-Qaeda không chỉ còn hoạt động trong khu vực do Taliban kiểm soát, mà lãnh đạo cấp cao của hai bên vẫn duy trì liên lạc.
Cuối cùng là làm thế nào để xây dựng một môi trường bên ngoài tốt đẹp, nói cách khác là làm sao để được quốc tế công nhận. Những thách thức như vậy ngày càng khiến tương lai của Afghanistan hậu xung đột thêm khó đoán định./.