Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 12/10 thông báo một gói viện trợ trị giá 1 tỷ euro (1,2 tỷ USD) "nhằm tránh một sự sụp đổ lớn về kinh tế-xã hội và nhân đạo" tại Afghanistan.
Số tiền trên được Liên minh châu Âu (EU) cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về tình hình Afghanistan.
Trong số này, 250 triệu euro sẽ được bổ sung vào gói 300 triệu euro mà EU đã thông báo trước đó nhằm viện trợ nhân đạo khẩn cấp, và phần còn lại sẽ được chuyển đến các nước láng giềng trong khu vực tiếp nhận người di cư Afghanistan.
Gói 1 tỷ euro trên sẽ tăng chi cho y tế tại Afghanistan. Tại các nước láng giềng, tiền viện trợ này sẽ giúp quản lý người tị nạn và thúc đẩy hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố, tội phạm và buôn người.
Trong một tuyên bố, bà von der Leyen cho biết: "Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để tránh một sự sụp đổ lớn về kinh tế-xã hội và nhân đạo tại Afghanistan. Và phải làm điều đó thật nhanh."
Tuyên bố cũng nêu rõ rằng Taliban trước tiên phải đáp ứng các điều kiện của EU để được viện trợ lâu dài hơn.
Bà Chủ tịch EC nhấn mạnh rằng tiền của EU là "hỗ trợ trực tiếp" cho người dân Afghanistan và sẽ được chuyển qua các tổ chức quốc tế đang làm việc tại thực địa, không chuyển qua chính phủ lâm thời của Taliban mà Brussels không thừa nhận. Hiện viện trợ phát triển của EU cho Afghanistan vẫn đang bị đóng băng.
[EU cam kết bổ sung viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan]
Thủ tướng Italy Mario Draghi đã chủ trì hội nghị G20 nói trên. Ngoài đại diện các nước G20, hội nghị này mở rộng thành phần tham dự gồm các đại diện của Liên hợp quốc (LHQ), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng một số quốc gia ngoài G20 như Tây Ban Nha, Hà Lan và Qatar.
Đây là một trong những sáng kiến đa phương quan trọng được Chính phủ Italy tích cực thúc đẩy trong khuôn khổ năm giữ vai trò Chủ tịch luân phiên G20.
Hội nghị tập trung thảo luận việc đảm bảo quyền con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, chống nạn đói trong bối cảnh vai trò cầm quyền của lực lượng Taliban tại Afghanistan chưa được quốc tế công nhận.
Một mục tiêu quan trọng khác của hội nghị là việc các nước G20 phải thống nhất cách thức cùng hành động nhằm ngăn chặn viễn cảnh chủ nghĩa khủng bố quốc tế quay lại phát triển lực lượng và tiếp tục hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh vai trò trung tâm của việc để cho Liên hợp quốc giải quyết vấn đề Afghanistan, một phần vì nhiều nước không muốn quan hệ trực tiếp với Taliban.
Trước đó, phát biểu với báo giới tại New York, ông Guterres cho biết cuộc khủng hoảng tại Afghanistan đã ảnh hưởng đến ít nhất 18 triệu người (một nửa dân số nước này), đồng thời cho biết thêm rằng một chương trình viện trợ lớn của Liên hợp quốc đang được tiến hành nhằm "chạy đua với thời gian" trước khi mùa Đông đến. Tổng thư ký kêu gọi các nước tăng hỗ trợ cho nền kinh tế Afghanistan.
Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan ngày 15/8, đất nước vốn đang vật lộn với hạn hán và nghèo đói nghiêm trọng sau nhiều thập kỷ chiến tranh này đã chứng kiến nền kinh tế đứng bên bờ vực sụp đổ, làm dấy lên lo ngại về các dòng người tị nạn.
Các ngân hàng tại nước này đã cạn tiền, công nhân viên chức không được trả lương, giá thực phẩm tăng cao.
Các nước châu Âu lo ngại nguy cơ người tị nạn Afghanistan tìm cách đến EU, như cuộc khủng hoảng người di cư Syria năm 2015. Brussels cho rằng viện trợ sẽ giúp ổn định Afghanistan và giúp các nước nằm giữa EU và Afghanistan ngăn chặn dòng người di cư./.