Tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ kỷ niệm 50 Chiến thắng Cửa Việt

Chiến thắng Cửa Việt là một "cú đấm thép" đập tan âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng, làm rung động cả hệ thống phòng ngự của địch ở miền Nam.
Tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ kỷ niệm 50 Chiến thắng Cửa Việt ảnh 1Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị dâng hương, dâng hoa tại Tượng đài Chiến thắng Cửa Việt ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Ngày 3/2, tại Tượng đài Chiến thắng Cửa Việt ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 Chiến thắng Cửa Việt.

Hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2023), kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973-27/1/2023) và 50 năm chiến thắng Cửa Việt (31/1/1973-31/1/2023).

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Bí thư Huyện ủy Triệu Phong Trần Xuân Anh nhấn mạnh Cửa Việt là một quân cảng chiến lược nằm trên địa phận huyện Triệu Phong, đầu mối giao thông đường thủy quan trọng mở ra Biển Đông, có ý nghĩa chiến lược đối với cả ta và địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ sau năm 1972, cảng Cửa Việt nằm dưới sự kiểm soát của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Để thực hiện âm mưu tái chiếm vị trí trọng yếu này, được sự hỗ trợ của Mỹ, tháng 1/1973, quân đội ngụy Sài Gòn đã mở cuộc hành quân “Tăngô Xity” nhằm đánh chiếm Cửa Việt trước khi Hiệp định Paris được ký kết.

Với ý chí và quyết tâm “đánh triệt để, đánh diệt gọn, không cho địch gượng dậy được,” sau hơn 5 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ 27/1/1973-31/1/1973), “hết ngày sang đêm, hết đêm sang ngày, đánh không kịp ăn, đánh không kịp ngủ,” cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn 320B cùng với các Sư đoàn, các đơn vị chủ lực, lực lượng vũ trang và dân quân du kích huyện Triệu Phong khắp các trận địa từ Thạnh Hội đến Gia Đẳng, từ Long Quang đến Chợ Sãi đã đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân lấn chiếm trái phép cảng Cửa Việt của Mỹ - ngụy bằng một trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, khép lại chiến dịch dài ngày, hy sinh gian khổ để giải phóng và bảo vệ vùng giải phóng.

Trước sự tấn công dũng mãnh của quân giải phóng, vào lúc 10 giờ 30 phút, ngày 31/1/1973, toàn bộ lực lượng địch bị thiệt hại nặng, phải rút khỏi khu vực bờ Nam Cửa Việt.

Cuộc hành quân “Tăngô Xity” thất bại hoàn toàn, vùng giải phóng được khôi phục lại.

Chiến thắng Cửa Việt thực sự là một "cú đấm thép" đập tan âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng, làm rung động cả hệ thống phòng ngự của địch ở miền Nam.

Chiến thắng có ý nghĩa to lớn, góp phần đánh bại âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của Mỹ - ngụy, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm suy giảm ý chí chiến đấu của chúng; giữ vững vùng giải phóng, tạo thế đứng chân ở địa bàn có ý nghĩa quan trọng và hỗ trợ cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân miền Nam góp phần buộc Mỹ phải thi hành Hiệp định Paris.

Với chiến thắng đó, Triệu Phong cùng với cả tỉnh Quảng Trị đã làm thay đổi cục diện trên chiến trường miền Nam, báo hiệu sự phá sản của một mưu đồ xâm lược, tạo thêm khí thế, sức mạnh, niềm tin mới cho quân và dân cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Tiếp nối truyền thống anh hùng của quê hương, ngày nay nhân dân huyện Triệu Phong đã lập thêm chiến công mới trên lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội với việc tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt từ 12-13%; thu nhập bình quân đầu người trong năm 2022 đạt 63,4 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại-dịch vụ tăng cao; văn hóa-xã hội có bước phát triển vượt bậc; quốc phòng, an ninh được giữ vững; cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư xây dựng.

Tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ kỷ niệm 50 Chiến thắng Cửa Việt ảnh 2Ban tổ chức trao tặng 20 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn xã Triệu An và Triệu Vân của huyện Triệu Phong. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao tặng 20 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn của hai xã: Triệu An, Triệu Vân của huyện Triệu Phong.

Dịp này, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng đã đến dâng hương, dâng hoa tại Bia di tích lịch sử cách mạng Tường Vân, xã Triệu An./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục