Tính toán để sớm có cơ chế điều hành giá xăng dầu phù hợp thị trường

Tại kỳ điều hành ngày 1/3, giá bán lẻ xăng, dầu đã tăng mạnh và gần chạm mức 27.000 đồng/lít. Tại thời điểm đó, giá dầu thế giới ở quanh mốc 110 USD/thùng, nhưng đến nay đã tăng hơn 10 USD/thùng.
Tính toán để sớm có cơ chế điều hành giá xăng dầu phù hợp thị trường ảnh 1Đổ xăng tại một cửa hàng bán lẻ xăng, dầu Petrolimex. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Giá dầu thế giới biến động tăng từng ngày, nhưng việc điều hành giá trong nước lại đang được thực hiện 10 ngày/lần khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục thua lỗ.

Các doanh nghiệp đề xuất có cơ chế điều hành giá xăng dầu linh hoạt hơn, có thể rút ngắn thời gian điều chỉnh giá cho phù hợp với diễn biến thị trường thế giới và cùng đó là sớm quyết định giảm thuế.

Trả lời vấn đề này, đại diện Vụ Thị trường trong nước-Bộ Công Thương cho hay, hiện nay liên Bộ Công Thương-Tài chính vẫn đang theo dõi sát tình hình thế giới để có tính toán điều hành đảm bảo đúng quy định và hài hòa loại ích các bên. Các đơn vị đã họp và sẽ xin ý kiến Chính phủ về phương án điều hành giá.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết với diễn biến giá xăng như hiện nay, Bộ thống nhất có thể 2 ngày/lần, tổ công tác điều hành giá xăng dầu sẽ trao đổi về việc báo cáo Chính phủ điều hành giá xăng dầu sớm hơn 10 ngày/lần.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ cũng sẽ phối hợp chặt với Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước hỗ trợ về nguồn vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp được phép nhập khẩu xăng dầu nhanh nhất, thuận lợi nhất.

Theo Quy định hiện nay tại Nghị định 95/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2/1/2022 thì 10 ngày/lần điều chỉnh giá xăng dầu, ở các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng.

Trong trường hợp xăng dầu có biến động bất thường ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống người dân thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Trên thế giới, giá dầu liên tiếp tăng cao do diễn biến căng thẳng chiến sự tại Ukraine và hệ quả của các biện pháp cấm vận Nga từ Mỹ và các nước phương Tây. Phiên giao dịch sáng nay, 9/3 (Giờ Việt Nam), dầu WTI tăng 2,24 USD/thùng tương ứng 1,81% lên mức 125,94 USD/thùng; dầu Brent tăng 4,77 USD/thùng tương ứng 3,87% lên mức 127,98 USD/thùng.

[Nhiều DN vận tải điều chỉnh giá cước dịch vụ do giá xăng dầu tăng cao]

Theo đại diện Saigon Petro, hiện nay, doanh nghiệp vẫn đang lỗ khoảng 2.300 đồng/lít xăng và khoảng 3.700 đồng/lít dầu. Giá dầu thô được dự báo sẽ tiếp tục còn tăng mạnh, nên hoạt động của doanh nghiệp càng khó khăn hơn.

Tại kỳ điều hành ngày 1/3, giá bán lẻ xăng, dầu đã tăng mạnh và gần chạm mức 27.000 đồng/lít. Tại thời điểm đó, giá dầu thế giới ở quanh mốc 110 USD/thùng, nhưng đến nay đã tăng hơn 10 USD/thùng.

Doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ, giá dầu vẫn tiếp tục tăng, dự báo có thể lên mức 200 USD/thùng, trong khi việc có điều hành giá xăng dầu linh hoạt hay đúng theo kỳ điều hành, vẫn phải chờ đợi.

Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho hay hiện họ như đang ngồi trên "đống lửa" khi giá dầu thế giới liên tục tăng mạnh tới gần 20% thời gian qua.

Theo Nghị định 95/NĐ-CP, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 10% so với giá cơ sở liền kề trước đó, hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống người dân, Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định biện pháp điều hành cụ thể.

Ngoài việc điều hành linh hoạt hơn để cắt lỗ cho doanh nghiệp, nhiều ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp cũng cho rằng, cần đẩy nhanh và mạnh hơn việc giảm thuế xăng dầu, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng.

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 1.000 đồng với mỗi lít xăng (trừ ethanol), từ mức 4.000 đồng một lít xuống mức 3.000 đồng một lít. Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn dự kiến giảm 500 đồng, từ mức 2.000 đồng/lít xuống 1.500 đồng/lít.

Tính toán để sớm có cơ chế điều hành giá xăng dầu phù hợp thị trường ảnh 2Điều chỉnh giá bán tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu Hà Thành (Hà Nội) hồi tháng 9/2021. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Dầu hỏa dự kiến giảm 500 đồng, từ mức 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít. Mỡ nhờn dự kiến giảm 500 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.500 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam nhận định, cần giảm mức thuế với xăng dầu cao hơn, từ 2.000-2.500 đồng/lít để giảm gánh nặng và áp lực cho doanh nghiệp. Mức giảm như đề xuất của các cơ quan chức năng là rất thấp và không có nhiều tác động.

Nhà nước cũng cần có sự chia sẻ với doanh nghiệp và phần thiếu hụt từ thu thuế xăng dầu này có thể được bù đắp bằng thuế từ giá dầu tăng lên.

"Hiện nay chi phí vận tải hàng hóa, giá nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp cũng tăng theo giá xăng. Xăng càng ngày càng tăng mạnh, chúng tôi rất khó để phục hồi được," ông Kết nói.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề xuất giảm thuế là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm kìm đà tăng của giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào quan trọng đối với nhiều ngành nghề, từ vận tải, sản xuất hàng hóa và gián tiếp tác động tiêu dùng của người dân.

VCCI cho hay, cần cân nhắc việc giảm thuế mạnh mẽ hơn bởi giá bán lẻ đang ở mức cao kỷ lục và có xu hướng tiếp tục tăng mạnh do các diễn biến thế giới. Có thể tăng mức giảm thuế lên 2.000 đồng/lít với xăng và 1.000 đồng với dầu, mỡ... Mức giảm này có thể duy trì đến khi giá xăng dầu ổn định trở lại.

Hiện mức giá xăng dầu đang phải gánh các loại thuế, phí rất lớn, trong khi sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tăng, theo đà tăng của giá xăng, dầu trên thị trường thế giới.

Do vậy, các ý kiến cho rằng, nhà nước cần sớm có phương án, nếu có thể thực hiện giảm thuế được thì có thể làm ngay, làm sớm, bởi nếu giá xăng tăng lên 30.000 đồng/lít, thậm chí hơn thế thì nhiều hoạt động kinh tế như vận tải, sản xuất rất có thể bị đình trệ, người dân sẽ chịu gánh nặng lớn từ các mặt hàng tiêu dùng có thể "té nước theo mưa."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục