Tình trạng lấn, chiếm đất đai tại tỉnh Bình Định diễn biến phức tạp

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, tính đến ngày 31/3/2023, toàn tỉnh phát hiện 14.257 trường hợp lấn, chiếm đất đai nhưng lực lượng chức năng mới chỉ xử lý được gần 7.000 trường hợp.
Tình trạng lấn, chiếm đất đai tại tỉnh Bình Định diễn biến phức tạp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tình trạng lấn, chiếm đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Định đang diễn biến phức tạp, trong khi công tác quản lý tồn tại nhiều bất cập, việc xử lý chưa triệt để khiến số vụ việc ngày một tăng, gây bức xúc dư luận.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, tính đến ngày 31/3/2023, toàn tỉnh phát hiện 14.257 trường hợp lấn, chiếm đất đai. Tuy nhiên, lực lượng chức năng mới chỉ xử lý được gần 7.000 trường hợp.

Thành phố Quy Nhơn ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm nhất (với hơn 5.000 trường hợp), lực lượng chức năng đã xử lý hơn 2.700 trường hợp. Huyện Tuy Phước có hơn 3.200 trường hợp, đã xử lý 1.266 trường hợp; huyện Tây Sơn hơn 2.400 trường hợp, đã xử lý hơn 21.00 trường hợp…

Trong ba năm 2020-2022, toàn tỉnh phát hiện 1.893 trường hợp vi phạm về công trình xây dựng lấn, chiếm đất đai, xây dựng trên đất không được phép xây dựng. “Điểm nóng” vẫn là thành phố Quy Nhơn với hơn 1.300 trường hợp, đã lập hồ sơ xử lý 1.389 trường hợp; trong đó thực hiện cưỡng chế 940 trường hợp, số trường hợp còn lại tự khắc phục hậu quả…

Tình trạng trên diễn ra là do cán bộ, công chức, người tham gia công tác quản lý trật tự xây dựng và quản lý đất đai ở địa phương đa phần kiêm nhiệm nên hiệu quả giải quyết trường hợp vi phạm cụ thể chưa cao.

[Tình trạng lấn chiếm đất công ở Bình Thuận có chiều hướng gia tăng]

Ngoài ra, nhận thức và ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật về trật tự xây dựng chưa nghiêm; tốc độ đô thị hóa tại một số địa phương nhanh, không gian đô thị mở rộng, hoạt động đầu tư xây dựng ngày càng nhiều nhưng biên chế, lực lượng thực thi công vụ trên lĩnh vực quản lý không thay đổi nên công tác quản lý trật tự xây dựng còn hạn chế. Ủy ban nhân dân các huyện không có đội quản lý trật tự đô thị, do đó, công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn còn nhiều khó khăn…

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay, thời gian tới, tỉnh sẽ nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân liên quan; đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung ra quân xử lý, giải quyết dứt điểm trường hợp vi phạm trên lĩnh vực quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai. Quan điểm của tỉnh là thực hiện nghiêm minh, kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không được dung túng, bao che cho bất kỳ trường hợp nào.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết tỉnh phân công trách nhiệm, có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý ngay khi phát hiện vi phạm, gắn trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Không gian đáng sống tại Aqua City. (Nguồn: Novaland/Vietnam+)

Nhà đầu tư Aqua City liên tục đón tin vui

Cuối năm 2024, Aqua City nhộn nhịp với không khí bàn giao nhà và đón cư dân an cư, cùng với đó là nhiều tiện ích được hoàn thiện và đưa vào vận hành, từng bước hình thành cộng đồng thịnh vượng.