Tình trạng nhập lậu gia cầm có chiều hướng gia tăng

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các địa phương có các biện pháp ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm.
Phát biểu và chỉ đạo tại cuộc giao ban Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ngày 2/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần yêu cầu các địa phương, ngành liên quan cần sớm có các biện pháp để ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm đang có chiều hướng gia tăng.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết tình trạng nhập lậu gia cầm có chiều hướng gia tăng từ đầu tháng Chín.

Tại chợ Hà Vĩ (Hà Nội) trong 3 tuần đầu của tháng Chín, lượng gà lậu nhập về bình quân từ 15-18 tấn. Loại gà nhập về chủ yếu khoảng 2 tuần tuổi có giá rẻ hơn gà trong nước. Gia cầm nhập lậu chủ yếu qua đường Móng Cái (90%) và Cao Bằng, sau đó được chuyển về Bắc Giang, Hà Nội. Hiện mỗi ngày có khoảng vài xe nhập lậu gia cầm qua đường này.

Ngoài ra, thời gian gần đây còn một số lượng lớn gà nhập lậu qua đường chính ngạch từ Hàn Quốc về Việt Nam. Đây là gà loại thải đưa vào chế biến thức ăn gia súc. Đây chính là nguyên nhân làm giá gà trong nước thời gian qua liên tục giảm, người chăn nuôi bị thua lỗ.

Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, tình trạng nhập lậu gia cầm chính là nguyên nhân làm dịch cúm gia cầm bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là vào thời điểm cuối năm.

[Dịch bệnh gia súc, gia cầm có xu hướng chững lại]

Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Chăn nuôi rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với gà nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Cục Thú y tiếp tục giám sát lưu hành của nhánh virus 2.3.2.1 (nhóm C); xác định loại vắcxin phù hợp và đánh giá hiệu quả của loại vắcxin hiện hành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kế hoạch mua vắcxin cúm gia cầm, lở mồm long móng phục vụ tiêm phòng đợt 2 năm 2012. Kế hoạch mua 1.000 liều vắcxin tai xanh dự phòng để sử dụng tiêm phòng bao vây ổ dịch đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng và dịch lợn tai xanh đã cơ bản được khống chế nhưng dịch cúm gia cầm vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ tháng Tám đến nay, Việt Nam phát hiện một nhóm virus H5N1 nhánh 2.3.2.1 (nhóm C). Nhóm virus này có khả năng mới xâm nhập vào Việt Nam, lây lan dọc theo tuyến giao thông từ Bắc và Nam và hiện nay đã xuất hiện tại các ổ dịch ở tỉnh Quảng Ngãi.

Theo báo cáo của Cục Thú y, cả nước hiện còn 5 tỉnh xuất hiện dịch cúm gia cầm gồm Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thái Bình trong đó, Quảng Ngãi là địa phương có số gia cầm chết và tiêu hủy lớn nhất với gần 24.000 con trên tổng số 40.000 con gia cầm chết và bị tiêu hủy tính đến thời điểm này. Đáng chú ý là dịch cúm gia cầm đang lây lan trên diện rộng tại tỉnh Thái Bình.

Đến nay vẫn còn 3 tỉnh tái phát dịch tai xanh là Đắk Lắk, Bắc Kạn, Quảng Nam, với tổng số lợn chết và bị tiêu hủy là hơn 13.000 con./.

Thành Trung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục