Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu dự báo kéo dài đến năm 2022

Đầu tháng Ba, Samsung cho biết có thể phải hoãn việc ra mắt dòng điện thoại thông minh cao cấp mới nhất do tình trạng khan hiếm chip, mặc dù đây cũng là nhà sản xuất chip lớn thứ hai thế giới.
Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu dự báo kéo dài đến năm 2022 ảnh 1Công nhân làm việc tại nhà máy Naka của Hãng sản xuất chip Renesas Electronics ở Hitachinaka, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người tiêu dùng thế giới đang phải đối mặt với xu hướng gia tăng giá cả và tình trạng thiếu hụt các sản phẩm điện tử, từ vô tuyến, điện thoại di động đến ôtô và cả máy chơi điện tử, trong bối cảnh các nhà sản xuất phải “săn lùng” nguồn cung chất bán dẫn (chip) ngày càng thiếu hụt trên toàn cầu.

“Mọi công ty đều gặp khủng hoảng và vấn đề ngày càng tồi tệ hơn”

Nhà báo Mark Sweney của tờ The Guardian cho biết, tình trạng thiếu chip - “bộ não” trong mọi thiết bị điện tử - đang trở nên tồi tệ kể từ năm ngoái.

Ban đầu, vấn đề chỉ đơn thuần là sự trì hoãn tạm thời về nguồn cung do các nhà máy buộc phải đóng cửa khi đại dịch COVID-19 lần đầu tiên bùng phát, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, mặc dù hoạt động sản xuất tại hầu hết các quốc gia trên thế giới đã trở lại bình thường, nhưng sự gia tăng nhu cầu mới do thay đổi nhu cầu và hành vi tiêu dùng được thúc đẩy bởi đại dịch, đã khiến sự thiếu hụt chip điện tử đạt tới giới hạn khủng hoảng.

Trên khắp thế giới, các nhà sản xuất ôtô đang đầu tư vào xe điện công nghệ cao, sự bùng nổ doanh số bán vô tuyến và máy tính gia đình, cũng như các loại máy chơi điện tử mới được ra mắt, các sản phẩm điện thoại di động hỗ trợ sử dụng sóng 5G đều thúc đẩy nhu cầu tăng cao.

[Dịch COVID-19 và thiếu chip khiến doanh số bán ôtô giảm 15%]

Năm ngoái, ngay cả “gã khổng lồ” công nghệ Apple, công ty có giá trị lên tới 2 tỷ USD và là hãng mua chất bán dẫn lớn nhất thế giới với mức chi tiêu đạt 58 tỷ USD mỗi năm, cũng buộc phải trì hoãn việc ra mắt chiếc iPhone 12 trong hai tháng, do thiếu hụt nguyên liệu sản xuất.

Neil Campling, nhà phân tích công nghệ và truyền thông tại Mirabaud (Mỹ), phân tích: “Chip là tất cả mọi thứ. Một cơn bão khổng lồ của yếu tố cung và cầu đang diễn ra ở đây. Nhưng về cơ bản, đã xuất hiện một mức độ nhu cầu mới không thể theo kịp, mọi công ty đều gặp khủng hoảng và vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn.”

Hãng sản xuất xe ôtô nổi tiếng thế giới Ford gần đây đã phải hủy bỏ số ca làm việc tại hai nhà máy sản xuất ôtô và cho biết con số lợi nhuận bị ảnh hưởng có thể lên tới 2,5 tỷ USD trong năm nay, do thiếu hụt nguồn cung chip. Trong khi, đối thủ cạnh tranh của Ford là Nissan tuyên bố ngừng sản xuất tại các nhà máy đặt tại Mexico và Mỹ, còn General Motors thừa nhận có thể phải đối mặt với mức giảm lợi nhuận tương đương khoảng 2 tỷ USD trong năm nay.

Đầu năm, nhà sản xuất hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới Sony, cùng với các nhà sản xuất máy trò chơi điện tử khác, tiết lộ rằng họ buộc phải vật lộn với tình trạng thiếu hàng trong suốt 12 tháng vừa qua.

Đại diện của Sony chia sẻ công ty có thể không đạt được mục tiêu doanh số bán máy chơi game PS5 mới trong năm nay do thiếu chất bán dẫn. Một loại máy trò chơi điện tử khác là Xbox của Microsoft cũng đang gặp tình trạng tương tự, với dự báo khó khăn về nguồn cung sẽ tiếp tục diễn ra ít nhất là cho đến nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, ví dụ điển hình nhất về cuộc khủng hoảng chất bán dẫn đến từ Samsung, cái tên thu mua chip lớn thứ hai thế giới sau Apple. Đầu tháng Ba, Samsung cho biết có thể phải hoãn việc ra mắt dòng điện thoại thông minh cao cấp mới nhất do tình trạng khan hiếm chip, mặc dù đây cũng là nhà sản xuất chip lớn thứ hai thế giới.

Chuyên gia Campling nhận định: “Thật không thể tin được khi Samsung, doanh nghiệp bán 56 tỷ USD chất bán dẫn cho các công ty khác và tự sản xuất, tiêu dùng 36 tỷ USD chất bán dẫn khác, lại phải hoãn ra mắt sản phẩm của chính mình.”

Đồng giám đốc điều hành của Samsung và là người đứng đầu bộ phận kinh doanh di động của hãng Koh Dong-jin nhấn mạnh đã có vấn đề “mất cân bằng nghiêm trọng” trong thứ tự ưu tiên được tiếp cận nguồn cung chip hạn chế.”

Các nhà sản xuất ôtô, những đơn vị đã phải cắt giảm số lượng lớn đơn đặt hàng chip do doanh số bán xe giảm vào năm ngoái, nhận thấy họ đang ở cuối danh sách người mua ưu tiên, khi cố gắng quay trở lại quy mô sản xuất trước khi thị trường phục hồi. Toàn bộ ngành công nghiệp ôtô toàn cầu thường mua chip với giá trị khoảng 37 tỷ USD/năm, trong đó các công ty lớn nhất như Toyota và Volkswagen chỉ chi hơn 4 tỷ USD mỗi doanh nghiệp. Điều này khiến các công ty sản xuất ôtô trở thành những khách hàng tương đối nhỏ đối với các nhà cung cấp chất bán dẫn.

Ông Campling khẳng định: “Các nhà sản xuất ôtô đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng thiếu hụt chip. So với mức chi 56 tỷ USD để mua chất bán dẫn của Apple, rõ ràng bạn đã hiểu các nhà cung cấp chip sẽ ưu tiên ai được mua trước?”

Tình trạng thiếu hụt dự báo kéo dài tới năm 2022

Trong bài viết đăng tải trên tờ Australian Financial Review, nhà báo Harry Dempsey cho biết, công ty sản xuất linh kiện điện tử lớn thứ ba thế giới Flex vừa dự báo tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn sẽ kéo dài ít nhất một năm nữa. 

Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu dự báo kéo dài đến năm 2022 ảnh 2Bên trong nhà máy của Tesla ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 20/11/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Flex có trụ sở chính tại Singapore và hơn 100 nhà máy đặt tại 30 quốc gia khác nhau. Công ty này chuyên sản xuất các thiết bị và linh kiện điện tử cho các tập đoàn hàng đầu thế giới như hãng xe ôtô Ford, công ty chuyên thiết kế đồ gia dụng của Anh Dyson, cửa hàng tạp hóa trực tuyến Ocado và nhà sản xuất máy tính và máy in HP của Mỹ. Vị trí của Flex trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu đã đưa công ty này trở thành nhà thu mua chip lớn nhất thế giới.

Giám đốc chuỗi cung ứng và mua sắm của Flex Lynn Torrel cho hay các nhà sản xuất phụ thuộc vào chất bán dẫn đã phải nới rộng dự báo của mình về thời điểm chấm dứt tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu. Bà nói: “Với nhu cầu mạnh mẽ như hiện nay, kỳ vọng tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip sẽ chấm dứt từ giữa đến cuối năm 2022, tùy thuộc từng mặt hàng. Tuy nhiên, một số người vẫn tin rằng tình trạng này còn tiếp diễn cho tới năm 2023.”

Flex dự báo lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc thiếu hụt chip chính là ngành công nghiệp sản xuất ôtô, tiếp theo là ngành thiết bị y tế và hàng hóa điện tử tiêu dùng. Theo Flex, tình trạng thiếu hụt này đã kéo dài hơn sáu tháng qua, gây rất nhiều khó khăn cho các công ty, thậm chí khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất và sa thải nhân viên.

Để đối phó với tình trạng nói trên, nhiều công ty đã áp dụng một cách tiếp cận quyết đoán hơn để tìm kiếm nguồn cung ứng chip, chẳng hạn như đặt cọc và trả tiền trước để được ưu tiên mua chip.

Thậm chí, Tesla, nhà sản xuất ôtô điện của Mỹ, đã tìm cách mua hoàn toàn một nhà máy sản xuất chip, với mong muốn tự làm chủ được nguồn cung sản xuất.

Tái cấu trúc để phát triển bền vững

Các nhà sản xuất điện tử ở châu Á gần đây cũng cảnh báo rằng tình trạng thiếu chất bán dẫn đang bắt đầu lan sang mặt hàng vô tuyến, điện thoại thông minh và các thiết bị gia dụng. Tình hình đó vốn đã trở nên tồi tệ sau khi nguồn dự trữ của các tập đoàn sản xuất Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, tình trạng này đã trầm trọng hơn vào năm nay do các vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19 gây tác động lên chuỗi cung ứng bị cộng hưởng bởi vụ việc con tàu chở hàng siêu khổng lồ Ever Given bị mắc kẹt và chặn toàn bộ giao thông trên kênh đào Suez hồi tháng Ba, tình trạng thời tiết cực kỳ lạnh giá ở Texas, cũng như một vụ hỏa hoạn vừa xảy ra gần đây tại một nhà máy sản xuất chip lớn ở Nhật Bản.

Giám đốc điều hành của Flex Revathi Advaithi cho biết, sự gián đoạn do đại dịch gây ra đã thúc đẩy các khách hàng đa quốc gia của họ xem xét một cách nghiêm túc hơn về việc cần tái cấu trúc chuỗi cung ứng, so với những cân nhắc về ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Giải pháp điển hình nhất, theo bà Advaithi, có thể bao gồm việc làm cho chuỗi cung ứng mang tính khu vực nhiều hơn.

Bà nói: “Hầu hết các công ty sẽ không đưa ra quyết định khu vực hóa chỉ dựa trên thuế quan. Họ hiểu đó có thể chỉ là một biện pháp ngắn hạn, nhưng những vấn đề như đại dịch và sự leo thang của chi phí vận chuyển, gây ảnh hưởng đến tổng chi phí sở hữu, sẽ thúc đẩy quá trình khu vực hóa”.

Flex được niêm yết trên sàn chứng khoán New York. Năm ngoái, công ty này đạt doanh thu 24,2 tỷ USD và có các cơ sở sản xuất chia đều giữa châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Tuy nhiên, rất nhiều chi nhánh của Flex hiện buộc phải ngừng sản xuất một loạt các sản phẩm điện tử.

Bà Torrel cảnh báo rằng việc một số nhà cung cấp chất bán dẫn toàn cầu phải tạm đóng cửa có thể sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn hơn nữa đến chuỗi cung ứng vốn đang chịu nhiều áp lực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục