Tòa án Pakistan ra lệnh thả cựu Tổng thống Musharraf

Một tòa án của Pakistan ra lệnh ngừng quản thúc tại gia cựu Tổng thống Musharraf sau khi ông này được bảo lãnh tại ngoại.
Tòa án Pakistan ra lệnh thả cựu Tổng thống Musharraf ảnh 1Cựu Tổng thống Pervez Musharraf. (Nguồn: AFP)

Ngày 6/11, một tòa án của Pakistan đã ra lệnh ngừng quản thúc tại gia cựu Tổng thống Pervez Musharraf sau khi ông này được tòa cho phép bảo lãnh tại ngoại trong vụ án liên quan đến cuộc tấn công Thánh đường Đỏ ở thủ đô Islamabad hồi năm 2007.

Lệnh trên được thẩm phán Wajid Ali đưa ra sau khi các luật sư của ông Musharraf nộp hai khoản tiền bảo lãnh, mỗi khoản 100.000 rupee (khoảng 1.000 USD).

Theo các luật sư, lệnh của tòa án bằng văn bản về việc thả ông Musharraf đã được gửi đến tư gia của ông ở Islamabad, nơi ông bị quản thúc trong mấy tháng qua.

Trước đó, ông Musharraf cũng đã được bảo lãnh trong hai vụ án, gồm vụ ám sát cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto năm 2007 và vụ sát hại thủ lĩnh bộ lạc tại tỉnh Baluchistan, Akbar Bugti, trong một chiến dịch quân sự ở tỉnh này năm 2006.

Theo luật sư biện hộ, ông Musharraf đã được bảo lãnh trong tất cả các vụ việc, vì vậy hiện ông không còn bị hạn chế về việc đi lại. Dư luận cho rằng động thái này sẽ tạo điều kiện cho ông Musharraf ra nước ngoài, song một luật sư của ông Musharraf khẳng định ông sẽ không rời khỏi đất nước.

Mặt khác, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Chaudhry Nisar Ali Khan cho biết ông Musharraf không thể rời Pakistan do có tên trong danh sách những nhân vật bị cấm xuất cảnh.

Ông Musharraf về nước hồi tháng Ba vừa qua để tham gia tranh cử sau gần bốn năm sống lưu vong. Tuy nhiên, ông đã bị quản thúc tại gia từ tháng Tư sau khi bị cảnh sát thẩm vấn về các cáo buộc lạm dụng quyền lực trong thời gian cầm quyền từ năm 1999-2008.

Ngày 10/10 vừa qua, cựu tổng thống này chính thức bị bắt giữ do liên quan đến vụ tu sỹ cấp cao Abdul Rashid Ghazi của Thánh đường Đỏ bị giết hại trong một vụ tấn công của quân đội hồi tháng 7/2007.

Ông Musharraf bị cáo buộc đã lệnh cho quân đội thực hiện vụ tấn công thánh đường này làm hơn 100 người thiệt mạng, trong đó có 90 sinh viên và 11 nhân viên an ninh. Các luật sư bào chữa khẳng định ông Musharraf không ban hành văn bản nào ra lệnh thực hiện vụ tấn công này.

Ngoài các cáo buộc trên, ông Musharraf còn phải đối mặt với tội danh phản quốc do đã đình chỉ hiến pháp và ban bố tình trạng khẩn cấp năm 2007./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục