Tòa án Tối cao Mỹ xem xét vụ công khai hồ sơ thuế của Tổng thống Trump

Việc công khai các hồ sơ nộp thuế đã trở thành thông lệ mà mọi lãnh đạo Mỹ đều thực hiện kể từ thời Tổng thống Richard Nixon cầm quyền những năm 1970.
Tòa án Tối cao Mỹ xem xét vụ công khai hồ sơ thuế của Tổng thống Trump ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 12/5, Tòa án Tối cao Mỹ bắt đầu xem xét vụ kiện liên quan tới quyền giữ bí mật tài chính của Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Trump đã quyết định giữ kín mọi hồ sơ nộp thuế dù từng cam kết trong cuộc bầu cử năm 2016 rằng sẽ công khai những tài liệu này.

Việc công khai các hồ sơ nộp thuế đã trở thành thông lệ mà mọi lãnh đạo Mỹ đều thực hiện kể từ thời Tổng thống Richard Nixon cầm quyền những năm 1970.

Khởi nguồn từ cuộc điều tra về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, phe Dân chủ đã thúc đẩy các cuộc điều tra tại Quốc hội nhắm tới những hồ sơ tài chính của Tổng thống Trump, Tổ chức Trump Organization và gia đình ông.

Giới quan sát cho rằng quyết định cuối cùng của tòa án buộc Tổng thống Trump công khai hồ sơ tài chính có thể tạo ra những tác động lâu dài tới khả năng của các nghị sĩ giám sát các tổng thống.

Tại các cấp tòa án thấp hơn, các luật sư của Tổng thống Trump biện hộ rằng tổng thống có quyền được miễn trừ hoàn toàn khi đương nhiệm.

Các luật sư cũng cho rằng các cuộc điều tra nhằm vào vấn đề tài chính của ông Trump có động cơ chính trị và mục đích xấu nhằm cản trở năng lực điều hành của ông Trump.

[Quỹ tái tranh cử của ông Trump vận động được số tiền cao kỷ lục]

Luật sư Patrick Strawbridge khẳng định quyết định của tòa án tối cao không chỉ ảnh hưởng tới Tổng thống Trump mà còn tới cả những tổng thống Mỹ các đời sau.

Trong hệ thống luật pháp Mỹ không có quy định nào yêu cầu các đời tổng thống phải công khai những thông tin tài chính cá nhân. Tuy nhiên, 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ đều thừa nhận rằng Tổng thống Trump đang phá bỏ truyền thống.

Thẩm phán Elena Kagan nêu rõ Tòa án Tối cao Mỹ chưa từng phải xem xét vụ việc nào tương tự và tình thế hiện tại buộc Hội đồng thẩm phán 9 người sẽ phải đưa ra quyết định khó khăn trong vụ việc mà hai đầu cán cân là quốc hội và tổng thống.

Các cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ xoay quanh những câu hỏi chính như liệu Tổng thống Trump có liên quan tài chính với phía Nga hay không, và liệu ông có tận dụng lỗ hổng kế toán để trốn thuế trong những năm 1990 và 2000 hay không.

Trong quá trình điều tra, Công ty Mazars, phụ trách kế toán lâu năm cho ông Trump, Ngân hàng Deutche Bank của Đức và Ngân hàng Capital One đều đã nhận được các yêu cầu nộp kê khai tài chính của ông Trump từ năm 2011-2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục