Tọa đàm hợp tác Việt-Nhật đào tạo nguồn nhân lực

Đông đảo quan chức, nhà giáo dục về nghề hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã tham dự buổi tọa đàm diễn ra sáng 14/9, ở Tokyo, Nhật Bản.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, sáng 14/9, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức buổi “Tọa đàm hợp tác Việt Nam-Nhật Bản về đào tạo nguồn nhân lực."

Buổi toạ đàm trên được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện “Gặp gỡ Việt-Nhật 2012” để kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam 2/9 và ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản 21/9.

Tham gia buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi cùng các quan chức thuộc các bộ ban ngành liên quan và hiệu trưởng, hiệu phó các trường đại học và cao đẳng nghề ở Việt Nam.

Phía Nhật Bản có trên 30 quan chức đại diện cho các bộ, ngành, cơ quan, các trường cao đẳng và trung tâm đào tạo nghề cùng tham dự.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đến dự.

Đại sứ đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam, đóng góp tích cực cho mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho rằng trong bối cảnh các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ngày càng nhiều vào Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế Việt Nam nói chung và yêu cầu của hợp tác Việt-Nhật trở thành một nhu cầu bức thiết. Đại sứ hy vọng từ kết quả của cuộc tọa đàm, hai bên sẽ đưa ra những khuyến nghị lên chính phủ hai nước về các biện pháp hợp tác cụ thể trong lĩnh vực này những năm tới.

Thứ trưởng Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi khẳng định Việt Nam rất coi trọng hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực với Nhật Bản và dự án “phát triển các trường đại học và dạy nghề của Việt Nam” từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã thể hiện cụ thể kết quả của sự hợp tác đó.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi, để đạt được mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam là một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại, Chính phủ Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, là khâu hứa hẹn mang lại đột phá.

Thứ trưởng nhấn mạnh đào tạo nghề phải gắn chặt với nhu cầu thực tế của thị trường lao động và đánh giá cao hiệu quả trong công tác đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu xã hội của Nhật Bản. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi bày tỏ mong muốn đón nhận các thông tin, kinh nghiệm và hợp tác từ phía các đại diện của Nhật Bản trong buổi toạ đàm, góp phần tích cực cho quan hệ hợp tác hữu nghị đang được Chính phủ và nhân dân hai nước vun đắp.

Trợ lý Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Seno Yoshihiro cho biết Nhật Bản tự hào có lợi thế so sánh trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao mà trọng tâm là đào tạo nghề và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng đang tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nhân lực.

Ông Yoshihiro cho biết tháng 6/2011, cuộc sát hạch tay nghề quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam đã được tổ chức nhờ chuyển giao hệ thống đánh giá tay nghề đang được triển khai tại Hiệp hội phát triển năng lực nghề trung ương (JAVADA) thông qua sự hợp tác tích cực từ chuyên gia của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Ông Yoshihiro cũng đánh giá cao kết quả thu được từ mô hình dự án hợp tác đào tạo tay nghề giữa Việt Nam và Nhật Bản tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội từ tháng 1/2010. Với chương trình giáo dục trong các lĩnh vực gia công máy móc, gia công kim loại, điều khiển điện tử, đến nay, mô hình hợp tác đã đào tạo được 350 lao động có tay nghề cao.

Ông Yoshihiro cho rằng toạ đàm là cơ hội tốt để trao đổi ý kiến thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề giữa hai nước ngày càng hiệu quả.

Ông Fukuzawa Yoshiyuki, Trưởng phòng hợp tác nước ngoài thuộc Cục phát triển nguồn nhân lực, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã có bài thuyết trình về tình hình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam trong lĩnh vực dạy nghề.

Trong bài thuyết trình của mình, ông Yoshiyuki đánh giá cao triển vọng hợp tác đào tạo nghề giữa hai bên và cho rằng điểm mạnh trong đào tạo nghề của Nhật Bản là đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nghiên cứu và cải tiến chất lượng đào tạo cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế.

Ông cho biết Nhật Bản đã phối hợp hiệu quả với Tổng cục dạy nghề của Việt Nam và đạt được những thành quả đáng nghi nhận. Ông Yoshiyuki cho biết quan hệ hợp tác với Việt Nam đến nay tiến triển rất tốt đẹp và hy vọng phía Việt Nam có những hỗ trợ để hợp tác hiệu quả.

Buổi toạ đàm cũng lắng nghe phát biểu bà Kayashima Nobuko, Cục trưởng Cục phát triển nhân lực của JICA, nói về kinh nghiệm và những thành quả của JICA trong hợp tác nguồn nhân lực trên thế giới cũng như ở Việt Nam và triển vọng hợp tác của JICA trong đào tạo và dạy nghề ở Việt Nam.

Ngoài ra, lãnh đạo các trường đại học và cao đẳng dạy nghề của hai nước cũng có những bài phát biểu và ý kiến đóng góp thiết thực đối với lĩnh vực đào tạo và dạy nghề, đặc biệt là những kinh nghiệm để ngành nghề được đào tạo đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược “Phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020” và một số đề án, trong đó có đề án “Đổi mới và phát triển dạy nghề.”

Trong dự thảo Chiến lược đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, tương đương 23,5 triệu người, trong khi mục tiêu đến năm 2020 là đạt 55%, tương đương 34,4 triệu người./.
.
Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục