Tọa đàm trực tuyến Sáng mãi Cách mạng tháng Mười Nga

Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Sáng mãi Cách mạng tháng Mười Nga.”

Sáng 3/11, tại Hà Nội, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Sáng mãi Cách mạng tháng Mười Nga.”

Tọa đàm nhằm góp phần làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Mười Nga trong lịch sử nhân loại, qua đó giáo dục ý thức, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý và điều hành của Nhà nước, tạo ra động lực mới trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; tiếp tục vận dụng giá trị Cách mạng tháng Mười Nga trong việc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng và bảo vệ chủ quyền trong tình hình mới.

Tại Tọa đàm, các đại biểu và khách mời đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung cơ bản như giá trị lịch sử-ý nghĩa thời đại của Cách mạng tháng Mười Nga; triển vọng của chủ nghĩa xã hội hiện thực, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; Cách mạng tháng Mười Nga với cách mạng Việt Nam; việc vận dụng tư tưởng của Lênin và giá trị của Cách mạng tháng Mười Nga trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình,” chống quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, Tọa đàm còn lồng ghép vấn đề công tác tư tưởng với việc tuyên truyền, giáo dục giá trị, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Mười Nga trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, tiến sỹ Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá Cách mạng tháng Mười không chỉ mở ra con đường giải phóng nước Nga, mà còn cho cả dân tộc và loài người; mở đầu cho một thời đại mới trong lịch sử hiện đại, đó là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng tháng Mười để lại những bài học vô giá cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.


[Cách mạng Tháng Mười: Cuộc cách mạng toàn diện, có tính thực tiễn]

Đồng quan điểm, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hưởng, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự, cho rằng Cách mạng tháng Mười Nga là cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử nhân loại, triệt để, sâu sắc, vừa mang giá trị nhân đạo, nhân văn cao đẹp; mở ra một thời đại hoàn toàn mới trong lịch sử nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới; thức tỉnh, cổ vũ các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột, tự cứu lấy mình và giải phóng mình.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhờ có Cách mạng tháng Mười Nga, liên tục trong nhiều thập niên, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã khôi phục đất nước sau chiến tranh, triển khai các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; đã đạt hàng loạt thành tựu to lớn; xây dựng được một nền công-nông nghiệp hiện đại hóa với một số lĩnh vực mũi nhọn hàng đầu thế giới. Cho dù không tránh được một số hạn chế, sai lầm trong xây dựng mô hình, cách mạng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa xã hội đã thực sự là lực lượng mở ra và thực thi mục tiêu giải phóng, phát triển cho nhân loại trong những thập niên sôi sục đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc và đấu tranh xã hội.

Nhấn mạnh giá trị, ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười Nga, Thiếu tướng, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự cho rằng việc nhân dân tiến bộ toàn thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga là sự kiện rất đặc biệt; khẳng định tình cảm, sự gắn bó sâu sắc giữa Cách mạng tháng Mười Nga, Cách mạng Tháng Tám, giữa nhân dân Liên Xô và nhân dân Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục