Tọa đàm vì thế giới hòa bình, không vũ khí hạt nhân

Tọa đàm là cơ hội để các nhà hoạt động xã hội Đà Nẵng và Nhật Bản sát cánh cùng đấu tranh vì thế giới hòa bình, không vũ khí hạt nhân.
Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (21/9/1973- 21/9/2013), chiều 24/7, tại thành phố Đà Nẵng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt-Nhật, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Đà Nẵng phối hợp với Tàu Hòa Bình - Nhật Bản (vừa cập Cảng Đà Nẵng sáng 24/7) tổ chức tọa đàm "Vì một thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học".

Tham dự tọa đàm có Đại sứ Venezuela tại Việt Nam Jorge Rondon; Thành viên Ban Điều hành Tàu Hòa Bình Akira Kawasaki, Giám đốc dự án Hibakusha; cùng các bạn Nhật là thành viên Tàu Hòa Bình và các nạn nhân bom nguyên tử Nhật Bản; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các nạn nhân và gia định nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại thành phố Đà Nẵng.

Tọa đàm là cơ hội để các nhà hoạt động xã hội của thành phố Đà Nẵng và Nhật Bản, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cơ quan chuyên hoạt động và đấu tranh vì hòa bình và công lý của nạn nhân chất độc da cam được gặp gỡ giao lưu, trao đổi, chia sẻ những điều đã thấy, đã trải qua để cùng nhau chung tay, góp sức chia sẻ nỗi đau do chiến tranh gây ra, sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh vì thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học.

Đồng thời, tọa đàm cũng góp nâng cao ý thức trách nhiệm của thanh niên thành phố Đà Nẵng trong việc chung tay chia sẻ và hành động vì nạn nhân chất độc da cam và vì tình hữu nghị Việt-Nhật, vì hòa bình của nhân loại.

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã nghe ý kiến của các nhà hoạt động xã hội Việt Nam và Nhật Bản về hậu quả của chiến tranh có vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và tầm quan trọng của hòa bình trong xu thế hiện nay; ý kiến của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và nạn nhân bom nguyên tử Nhật Bản phải gánh chịu nỗi đau chiến tranh...

Những người tham gia cuộc tọa đàm đã thật sự xúc động khi nghe bà Yoriko Asami, một nạn nhân bom nguyên tử năm nay 84 tuổi kể lại những gì bà chứng kiến khi quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima nơi bà đang sống lúc bấy giờ và những tháng ngày chống chọi với bệnh tật...

Em Hồ Thị Láng, nạn nhân chất độc da cam đang học tập và sinh hoạt tại Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng tâm sự thời thơ ấu của em là những chuỗi ngày đau đớn và đầy nước mắt.

Kết thúc cuộc tọa đàm, một thông điệp "Thanh niên thành phố Đà Nẵng chung tay xoa dịu nỗi đau chiến tranh vì một thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học" được gửi đến toàn thể thanh niên thành phố Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng 5.000 nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có hơn 1.400 trẻ em. Nhiều gia đình cả ông bà, cha mẹ, con cháu đều là nạn nhân bị nghi nhiễm chất độc da cam, nhiều cháu sinh ra không biết chiến tranh là gì, nhưng đã mang trong người di chứng của chất độc hóa học dioxin.

Thời gian qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng đã quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội đẩy mạnh công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam tại cộng đồng và chăm sóc phục hồi chức năng, tập trung cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại 3 cơ sở Trung tâm của thành Hội. Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của tàu Hòa Bình...

Tàu Hòa Bình là một tổ chức phi chính phủ quốc tế của Nhật Bản, bắt đầu hoạt động từ năm 1983 với mục đích thúc đẩy hòa bình và sự bền vững thông qua việc tổ chức những cuộc hành trình hòa bình.

Đây là lần thứ 35 tàu Hòa Bình cập cảng Đà Nẵng trong hành trình vòng quanh thế giới của mình./.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục