Toàn tỉnh Bến Tre có 158 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên

Hiện toàn tỉnh tổ chức đánh giá và xếp hạng 158 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có 78 sản phẩm 3 sao, 80 sản phẩm đạt 4 sao; đáng chú ý, có 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Toàn tỉnh Bến Tre có 158 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Chiều 22/11, Đoàn kiểm tra liên ngành của Trung ương do ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Bến Tre để kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre, tính đến nay, toàn tỉnh có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 24 xã đạt 15-18 tiêu chí, 38 xã đạt 10-14 tiêu chí và không có xã đạt dưới 10 tiêu chí. Trong số 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Chợ Lách đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hiện toàn tỉnh đã tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP với 158 sản phẩm từ 3 sao trở lên; trong đó, có 78 sản phẩm 3 sao, 80 sản phẩm đạt 4 sao. Đáng chú ý, trong số này có 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao với 61 chủ thể tham gia. Tỉnh đã tổ chức thực hiện "Ngày Chủ nhật nông thôn mới" với 2 chủ đề giao thông và môi trường, thu hút được 211.727 lượt người tham gia, huy động được 9,29 tỷ đồng.

Riêng Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tính đến cuối tháng 8/2022, toàn tỉnh có 17.097 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,27% và 17.014 hộ cận nghèo, chiếm 4,25% theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025; tăng 37 hộ nghèo (0,01%) và tăng 18 hộ cận nghèo (0,01%).

Trong năm 2022, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện cho người nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo; trong đó, triển khai thực hiện 49 mô hình giảm nghèo, có 392 hộ nghèo, cận nghèo tham gia với tổng kinh phí 5,45 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo như bảo hiểm y tế, vốn vay ưu đãi, xây dựng nhà tình thương… tổng kinh phí gần 63 tỷ đồng.

[Bến Tre hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực]

Tại buổi làm việc, ông Hà Quang Hưng đề nghị tỉnh Bến Tre rà soát, ban hành đầy đủ cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; kiện toàn thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chuẩn bị tốt cho giải ngân vốn năm 2023.

Nhiều ý kiến cho rằng Bến Tre cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Tỉnh có mật độ dân cư phân tán, khó khăn trong việc triển khai các công trình nên cần nghiên cứu thí điểm đầu tư khu dân cư với hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, đồng bộ để đông đảo người dân được hưởng dịch vụ tiện ích, văn minh.

Năm 2023, Bến Tre phấn đấu sẽ có 6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển ít nhất 45 sản phẩm OCOP mới và có sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bến Tre đặt mục tiêu có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu thêm huyện Bình Đại và ít nhất 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên… với nhu cầu hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương khoảng 2.500 tỷ đồng.

Bến Tre kiến nghị giữa kỳ, Trung ương xem xét bổ sung cho địa phương khoảng 300 tỷ đồng để thực hiện các mục tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục