Toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng trước Đại hội đồng LHQ

Ngày 24/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu tại Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71.
Toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng trước Đại hội đồng LHQ ảnh 1Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: Lê Dương/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 24/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu tại Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71.

Sau đây là toàn văn bài phát biểu:


Thưa Ngài Chủ tịch,

Tôi xin chúc mừng Ngài được bầu làm Chủ tịch Khóa 71 Đại hội đồng Liên hợp quốc và tin tưởng rằng với tài năng, sư lãnh đạo và kinh nghiệm của mình, Ngài sẽ dẫn dắt Khóa họp của chúng ta thành công tốt đẹp.

Cho phép tôi cám ơn Ngài Mogens Lykketoft, Chủ tịch Khóa 70 Đại hội đồng Liên hợp quốc vì những đóng góp quan trọng của Ngài đối với Đại hội đồng. Tôi cũng bày tỏ cảm ơn đối với Ngài Ban Ki-moon, Tổng Thư ký Liên hợp quốc về sự lãnh đạo, cam kết và nỗ lực không mệt mỏi của Ngài cùng với nhiều đóng góp cho tổ chức này trong suốt 10 năm qua.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Năm ngoái, năm 2015, chúng ta đã cùng nhau thông qua các định hướng lớn về phát triển chung của thế giới trong nhiều năm tới. Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững, Chương trình Hành động Addis Ababa về Tài chính cho Phát triển, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Khung hành động Sendai về giảm rủi ro thiên tai không chỉ nhằm giải quyết và ứng phó với các thách thức trước mắt, mà còn tạo động lực mới cho các mối quan hệ đối tác ngày càng thực chất, hiệu quả, tạo cơ sở bền vững hơn cho hòa bình và thịnh vượng chung.

Chủ đề mà Ngài chọn “Các Mục tiêu phát triển bền vững: thúc đẩy toàn diện nhằm chuyển đổi Thế giới” cho Khoá họp này là rất kịp thời, đúng lúc chúng ta đang bắt tay vào thực hiện định hướng lớn này và biến các cam kết của chúng ta thành những kết quả cụ thể cho mọi người dân.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Tôi tin rằng với chúng ta, hoàn toàn có khả năng thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Các thế hệ đều rất mong chờ lãnh đạo các nước biến những cam kết chính trị thành hành động cụ thể. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG), đây sẽ là nền tảng tốt để chúng ta tiếp tục phát huy những thế mạnh trong thực hiện các SDG trong 15 năm tới.

Xu thế cải cách, đổi mới sáng tạo, tái cơ cấu nền kinh tế tại nhiều quốc gia và quá trình quốc tế hóa sản xuất đang tạo ra các cơ hội lớn nhằm thúc đẩy hợp tác, liên kết khu vực và toàn cầu vì sự phát triển bền vững. Những tiến bộ mới về khoa học công nghệ cũng đang mở ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đưa trình độ phát triển nhân loại lên tầm cao mới.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ gặp một số khó khăn, thách thức. Việc kinh tế thế giới phục hồi chậm và không đồng đều, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tại các nền kinh tế lớn, các thách thức ngày càng nghiêm trọng về an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, cạn kiệt các nguồn tài nguyên, biến đổi khí hậu, thiên tai, bệnh dịch, các cuộc khủng hoảng nhân đạo và di cư... đang tác động tiêu cực đối với các nước đang phát triển.

Khoảng cách phát triển và thu nhập ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu, khu vực và ngay trong một quốc gia. Đồng thời, tình trạng căng thẳng và bất ổn, bạo lực, xung đột, khủng bố diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới. Tư duy đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế tiếp tục là mối đe dọa đối với độc lập, chủ quyền của nhiều quốc gia cũng như hòa bình, an ninh trên thế giới.

Thưa ngài Chủ tịch,

Trước tình hình trên, chúng ta cần cùng nỗ lực “tăng cường chủ nghĩa đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển.”

Rõ ràng là hợp tác đa phương hiện đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quan hệ quốc tế, thể hiện ở sự gia tăng về số lượng các thể chế đa phương và xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc, đan xen nhiều hình thái mới. Tiếp cận đa phương để cùng nhau thúc đẩy giải quyết các vấn đề và thách thức chung đã trở thành biện pháp hữu hiệu và lâu bền do không một quốc gia nào, dù lớn nhỏ, giàu nghèo, có thể một mình ứng phó, đặc biệt khi các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển luôn gắn bó, đan xen và có quan hệ tương hỗ với nhau. Đồng thời, các thể chế đa phương cũng là nơi để các nước hài hòa lợi ích, quản lý tốt các bất đồng, tranh chấp và mở rộng không gian phát triển.

Chính vì vậy, Việt Nam ủng hộ việc đề cao chủ nghĩa đa phương và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ chế đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc. Việt Nam đánh giá cao vai trò và hoạt động của Liên hợp quốc trong điều phối các nỗ lực quốc tế nhằm ứng phó các thách thức toàn cầu và kiến tạo không gian cho hợp tác phục vụ phát triển. Không tổ chức nào ngoài Liên hợp quốc có thể làm tốt hơn việc thúc đẩy quan hệ đối tác và hỗ trợ các nước thực hiện thành công SDG.

Để làm được điều đó, Liên hợp quốc cần thúc đẩy tạo dựng các thể chế bình đẳng, dân chủ và và minh bạch thông qua việc tăng cường các tiến trình cải tổ Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an, hệ thống phát triển Liên hợp quốc, bảo đảm sự tham gia rộng rãi của tất cả các nước vào quá trình thảo luận, tham vấn và ra quyết sách đối với các nghị quyết, quyết định của Liên hợp quốc để không nước nào bị bỏ lại phía sau.

Luật pháp quốc tế vẫn là yếu tố căn bản cho một kiến trúc an ninh quốc tế ổn định và hệ thống đa phương mạnh mẽ. Tuy nhiên, xu hướng xem nhẹ các chuẩn mực, nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vẫn tồn tại.

Các chính sách, biện pháp áp đặt, đơn phương, cường quyền, sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề an ninh, chính trị quốc tế đã và đang gây căng thẳng, đối đầu, cản trở các nỗ lực giải quyết tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình. Chúng tôi đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục phát huy vai trò đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, yếu tố nền tảng cho hoà bình, an ninh quốc tế. Mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ cũng đều phải tuân thủ luật pháp.

Liên hợp quốc cũng cần tăng cường hơn nữa vai trò trong ngoại giao phòng ngừa, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình như đã được quy định rõ tại Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc.

Thưa Ngài Chủ tịch, tôi cho rằng mỗi quốc gia cần đặt lợi ích của mình trong lợi ích tổng thể chung của nhân loại, đặt dân tộc mình vào dòng chảy của thời đại. Chính sách nhân nghĩa, hòa hiếu sẽ giúp các dân tộc xóa bỏ hận thù, san lấp khoảng cách, kiểm soát tốt bất đồng, mở rộng cơ hội tìm giải pháp cơ bản, lâu dài cho mọi xung đột, tranh chấp giữa các nước. Là một quốc gia đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh, hơn ai hết chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình.

Để làm được như vậy, mỗi quốc gia cần có tư duy dài hạn, có cách tiếp cận toàn diện để cùng tìm kiếm các giải pháp tổng thể, mang tính toàn cầu, đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên. Chúng tôi hoan nghênh những diễn biến tích cực gần đây trong quan hệ Cuba-Hoa Kỳ, ủng hộ các nghị quyết của Đại hội đồng về chấm dứt cấm vận kinh tế đối với Cuba.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, hòa bình, hợp tác và phát triển là những nhân tố cốt yếu để xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Các nước trong khu vực đang cùng nhau thúc đẩy các sáng kiến liên kết, hợp tác chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, nhất là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Tuy nhiên, khu vực này lại đang tiềm ẩn những nguy cơ xung đột, nhất là tại bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực. Về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thưa Ngài Chủ tịch,

Việt Nam cam kết thực hiện các SDG và Chương trình nghị sự 2030. Chúng tôi đã bắt tay ngay vào việc xây dựng các Kế hoạch triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; phối hợp với Liên hợp quốc xây dựng Kế hoạch chiến lược chung Việt Nam-Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021; đồng thời đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, đảm bảo công bằng xã hội, tiết kiệm tối đa tài nguyên và cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam đang tiến hành các thủ tục cần thiết để sớm phê chuẩn Thoả thuận Paris và đang xây dựng kế hoạch thực hiện thỏa thuận này.

Kinh nghiệm cho thấy thành công chỉ đạt được khi chúng ta chủ động định hướng phát triển. “Để chuyển đổi thế giới,” trước tiên chúng ta cần bắt đầu chuyển đổi bản thân, để không ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam cho rằng mỗi quốc gia cần phát huy tối đa nội lực của đất nước, đưa quan điểm bền vững trở thành định hướng thường xuyên, lâu dài và lồng ghép các SDG vào mọi chiến lược và chương trình quốc gia, trong đó con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm. Sự cần thiết phải tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu mạnh mẽ hơn vì phát triển bền vững, trong đó Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế đóng vai trò thúc đẩy và điều phối quan trọng. Việt Nam kêu gọi các nước phát triển thể hiện trách nhiệm và vai trò tiên phong hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thực hiện các Mục tiêu SDG, đặc biệt là hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ mới, tạo thuận lợi trong thương mại.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Là một dân tộc hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Việt Nam cam kết tăng cường chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế và sẽ không ngừng nỗ lực đóng góp cho sự nghiệp hoà bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã quyết định ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 và tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt Nam mong nhận được hợp tác chặt chẽ của Liên hợp quốc và các nước thành viên trong việc thực hiện định hướng chuyển đổi thế giới của chúng ta, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Xin cảm ơn Ngài Chủ tịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục