Trong khuôn khổ các hoạt động của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71 tại New York (Hoa Kỳ), ngày 22/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu tại Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố quyền phát triển. Sau đây là toàn văn bài phát biểu:
Thưa Ngài Chủ tịch,
Kể từ khi ra đời, Tuyên bố Quyền phát triển đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều khuôn khổ phát triển quốc tế quan trọng, trong đó phải kể đến những thỏa thuận lịch sử được thông qua vào năm ngoái như Chương trình Nghị sự 2030, Chương trình hành động Addis Ababa và Thỏa thuận Paris.
Nhìn lại 30 năm qua, có thể thấy các quốc gia trên thế giới đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển, song cũng phải thừa nhận rằng vẫn còn tồn tại những rào cản đối với phát triển và việc bảo đảm quyền phát triển cho người dân ở nhiều nơi trên thế giới.
Những nguyên tắc trong Tuyên bố Quyền phát triển ngày nay vẫn còn nguyên ý nghĩa. Quyền phát triển là một quyền không thể tước bỏ, dành cho mọi người và không phải là quyền của riêng một nhóm nước nào. Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, tuổi tác, tôn giáo và dân tộc, được quyền tham gia vào quá trình phát triển và được thụ hưởng những thành quả của phát triển.
Nhìn rộng hơn, tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có quyền lựa chọn con đường phát triển của mình cũng như phương pháp bảo đảm quyền phát triển cho người dân nước mình.
Nguyên tắc cao quý này cho thấy tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt áp đặt và chính trị cường quyền - những yếu tố cản trở quá trình phát triển và quyền phát triển.
Do phát triển là một quá trình toàn diện, quyền phát triển cần được tiếp cận một cách đồng bộ và từ nhiều khía cạnh. Quyền phát triển không thể tách rời khỏi các quyền khác, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, an ninh, thịnh vượng cũng như trong một hệ sinh thái bền vững, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
Các thỏa thuận toàn cầu mới về phát triển, đặc biệt là Chương trình nghị sự 2030 toàn diện, đang mở ra những cơ hội mới để chúng ta vượt qua những rào cản để phát triển, tạo xung lực mới cho các mối quan hệ hợp tác và xây dựng cơ sở bền vững hơn cho phát triển và quyền phát triển.
Việc thụ hưởng đầy đủ quyền phát triển là khát vọng chung của chúng ta. Để hiện thực hóa mục tiêu này, chúng ta phải nhớ rằng thay đổi thực sự chỉ có thể xảy với sự hợp tác và tham gia của tất cả các chủ thể.
Hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao kiến thức và chia sẻ nguồn lực từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển là không thể thiếu trong quá trình này. Chỉ có chung tay góp sức, chúng ta mới có thể hiện thực hóa những cam kết về phát triển, đặc biệt là Chương trình nghị sự 2030, biến những cam kết thành kết quả cụ thể.
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã luôn nỗ lực hết mình để bảo đảm quyền phát triển cho mọi người dân. Chúng tôi luôn đặt con người làm trung tâm của tiến trình phát triển, lồng ghép quyền phát triển vào chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến cả 3 trụ cột của phát triển bền vững - chính sách xã hội, kinh tế và môi trường.
Chúng tôi phấn đấu không ngừng nghỉ để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm cơ hội phát triển bình đẳng cho tất cả mọi người dân.
Việt Nam cam kết nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các khuôn khổ phát triển khác. Chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác với các thành viên của Liên hợp quốc, đóng góp để hệ thống phát triển của Liên hợp quốc phù hợp với tình hình mới để mọi người dân trên hành tinh của chúng ta được thụ hưởng quyền phát triển một cách toàn diện nhất.
Xin cảm ơn Ngài Chủ tịch./.